Trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng vùn vụt còn nguồn lợi thuỷ sản ngày càng cạn kiệt khiến cho không ít chuyến biển của ngư dân bị thua lỗ, bên cạnh đó ngư dân đi biển còn gặp rất nhiều rủi ro do thiên tai và nhân tai. Để giải bài toán này, tỉnh Khánh Hoà đã xây dựng mô hình “tàu mẹ – tàu con” cùng nhau bám biển.
Sáng 16/2, Cảng cá Hòn Rớ, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang nhộn nhịp và đông hơn thường lệ, đội trưởng ngư đội Sinh Tồn, Lê Văn Hy, chủ tàu câu cá ngừ đại đương KH 96615 TS và KH 98127 TS cũng đến từ rất sớm, không dấu được niềm vui, ông Hy phấn khởi: Hôm nay là ngày đặc biệt, đánh dấu bước ngoặt trong cách làm ăn mới, chuyên nghiệp của ngư dân chúng tôi nên mình phải đi sớm chứ. Vâng, không vui sao được khi mà hôm nay Sở NN-PTNT Khánh Hoà, phối hợp với Hội nghề cá chính thức ra mắt và làm lễ xuất quân Tổ hợp tác 6 ngư đội – Hải Vương 68, gồm một tàu mẹ và 30 tàu con khai thác và thu mua hải sản tại tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển DK1.
Cũng như nhiều ngư dân Khánh Hoà làm nghề câu cá ngừ đại dương tại vùng biển Trường Sa, trước đây tàu của ông Lê Văn Hy đánh bắt nhỏ lẻ, sau hơn 20 ngày đánh bắt cá ngừ trên biển tàu của ông lại phải vào bờ để bán cá và tiếp nhiên liệu, thực phẩm, đá lạnh. Do đánh bắt xa bờ nên mỗi chuyến đi biển tới vùng đánh bắt và vào lại đất liền tàu của ông Hy mất 5 ngày, mỗi ngày một tàu của ông “ăn” hết 200 lít dầu, như vậy riêng chuyện đi lại mỗi chuyến biển ông Hy đã mất trên 20 triệu tiền dầu, đó còn chưa kể đang gặp luồng cá nhưng tàu không thể ở mãi trên biển mà phải quay về đất liền, khi ra lại thì luồng cá đã di chuyển sang vùng khác.
Mặt khác do công nghệ bảo quản cá còn lạc hậu lên mỗi chuyến biển cập cảng ông Hy mất ít nhất 30% cá không đạt tiêu chuẩn, giá cá loại này bán chỉ bằng một nửa so với cá loại 1. Nay tham gia vào ngư đội này, tàu của ông Hy được tàu mẹ thu mua cá ngay trên biển và tàu của ông được tiếp nhiên liệu, lương thực thực phẩm để tiếp tục đánh cá, do vậy ông Hy đã tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn. Không chỉ tiết kiệm được thời gian và chi phí, theo ông Mai Thanh Phúc, ngư đội trưởng ngư đội Song Tử Tây: Việc tham gia vào các ngư đội, chúng tôi còn được định hướng hoạt động đánh bắt có tổ chức, mặt khác giúp các thành viên trong ngư đội nâng cao ý thức tương thân, tương trợ như thông báo ngư trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với sự cố, cứu hộ cứu nạn…
Tham gia Tổ hợp tác liên kết đánh bắt thuỷ sản với 6 ngư đội là tàu “mẹ” có tên tàu Hải Vương 68 của Cty CP Thuỷ sản Hải Vương, tàu dài 58m, rộng 6,8m, chiều cao mớm nước 4m có công suất 1.200 CV, có thể cấp đông được trên 300 tấn hải sản với công suất 30 tấn/ngày và bảo quản hải sản ở nhiệt độ âm 60oC với 12 hầm chứa. Ông Lê Thanh Hải, Tổng Giám đốc Cty CP Thuỷ sản Hải Vương cho biết: Với độ lạnh lên tới âm 60oC chúng tôi hoàn toàn yên tâm về chất lượng cá luôn đảm bảo, mặt khác để đảm bảo cá tươi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nên cứ 7 ngày chúng tôi lại tiến hành thu mua của các tàu “con” một lần, tàu của chúng tôi trang bị hiện đại để có thể thu mua ngay trong thời tiết xấu như trang bị cần cẩu, tay đòn và hệ thống phao chống va đập; tàu mẹ còn có nhiệm vụ cung cấp nước ngọt, đá ướp lạnh, lương thực cho các tàu con bám biển dài ngày…
>> Tàu mẹ và tàu con đều được trang bị máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa, có tích hợp thiết bị vệ tinh, tàu mẹ Hải vương 68 đứng ở vị trí trung tâm của ngư trường, các tàu con và trạm trên bờ liên lạc thường xuyên hàng ngày trên sóng VHF, Radio, Icom và các tàu con thống nhất giờ liên lạc với tàu mẹ và văn phòng điều hành trên đất liền.
Ngọc Khanh
Theo Nông Nghiệp Việt Nam