Chi phí tăng cao trong khi đầu ra khó tiêu thụ khiến nhiều ngư dân miền Trung cho tàu cá nằm bờ.
Ở xã biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình những ngày này tàu thuyền liên tục nằm bờ bởi hải sản không bán được. Hàng trăm tấn hải sản dồn ứ trong kho đông lạnh suốt hàng tháng trời.
Anh Trần Quang Dương (chủ tàu ở xã Cảnh Dương) nói giá cá hố 125.000 đồng/kg, nay chỉ còn 5.000 đồng, thê thảm chưa từng thấy. Ra khơi đánh bắt thì không bán được hải sản, nằm bờ thì lãi ngân hàng chồng chất khiến nhiều người rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Tàu của ngư dân xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình nằm bờ dài ngày do giá hải sản quá thấp .Ảnh: Hoàng Phúc
Bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Vũ Lâm (tỉnh Quảng Bình), cho biết hiện công ty có 51 tấn cá không tiêu thụ được, trong đó có 24 tấn đang cấp đông tại kho lạnh. “Hàng chục doanh nghiệp (DN) khác trên địa bàn chuyên chế biến, xuất khẩu thủy sản cũng đang gặp cảnh tương tự” – bà Liên bùi ngùi.
Ngư dân tỉnh Bình Định cũng chung cảnh ngộ. Lão ngư Bùi Thanh Ninh (ngụ thị xã Hoài Nhơn, chủ 8 tàu cá xa bờ) cho biết giá cá ngừ sọc dưa đã giảm vài tháng trước, từ 21.000 đồng/kg còn 18.000 đồng… Trong khi giá lương thực, thực phẩm tăng nên phí tổn tàu cá cũng tăng, từ 140 triệu lên 160 triệu đồng/chuyến. Không chỉ vậy, mỗi chuyến tàu ra khơi với bình quân khoảng 15 thuyền viên còn tốn thêm gần 5 triệu đồng chi phí xét nghiệm nhanh để phòng chống dịch Covid-19.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, hầu hết các loại hải sản đều giảm giá từ 40 – 60% so với trước khi dịch bùng phát. Giá cá nục loại 3 chỉ còn 10.000 đồng/kg, cá ngừ khơi loại trên 1 kg/con chỉ còn 15.000 – 17.000 đồng/kg…
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Bình Định, cho biết hiện số tàu cá cập bờ tại các cảng cá ở địa phương đã giảm hơn 50% so với trước. Tại cảng Sa Kỳ, ngư dân Võ Bá Nha (ngụ huyện Bình Sơn) cho biết những năm trước, đây là thời điểm ngư dân ra khơi đánh bắt vì thời tiết thuận lợi nhưng hiện nhiều chủ tàu không mấy mặn mà vì giá hải sản giảm quá nhiều. Các cơ sở thu mua, DN chế biến hải sản cũng gặp khó. Nhiều dây chuyền đã dừng hoạt động, hải sản dồn ứ, tốn kém chi phí bảo quản, người lao động thất nghiệp.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh có gần 6.000 tàu cá, sản lượng khai thác thủy sản năm 2019 đạt khoảng 250.000 tấn. Trong khi năm 2020 và nửa đầu năm nay, sản lượng chỉ còn một nửa so cùng kỳ các năm trước.
Ông Đồng Vinh Quang – Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình – cho biết trên địa bàn có 648 tàu thuyền đánh cá với khoảng 4.000 lao động. Ngư dân ở đây chủ yếu đánh bắt xa bờ nhưng hiện nhiều tàu thuyền phải nằm bờ vì ra khơi lỗ vốn.
“Gần đây, việc các tiểu thương không xuất khẩu cá gây nên tình trạng tồn đọng, giá cá rất rẻ. Cá không xuất khẩu được bị hư hỏng nặng khiến tiểu thương thua lỗ, nhiều ngư dân cũng thả neo, bỏ nghề bám biển” – ông Quang nói và cho biết hiện xã Cảnh Dương có khoảng 9 DN và cơ sở thu mua hải sản xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng chỉ có một kho đông lạnh chứa được 50 tấn. Điều này dẫn đến tình trạng tồn đọng số lượng cá lớn không có nơi bảo quản dẫn đến hư hỏng.
Ông Lê Kim Hoàng, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng nông – lâm sản và thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, thông tin: Thời gian qua, sở đã có nhiều hoạt động hỗ trợ DN chuyên kinh doanh, chế biến, xuất khẩu thủy hải sản phát triển thị trường trong nước, hỗ trợ xuất khẩu thủy sản… “Dù vậy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phía Trung Quốc thắt chặt biên mậu, đồng thời thiết lập và áp dụng các hàng rào kỹ thuật nhằm kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nông sản từ Việt Nam, trong đó có thủy sản. Trong khi đó, nhiều DN xuất khẩu thủy sản trên địa bàn lại chưa đáp ứng yêu cầu của phía đối tác, dẫn đến gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ” – ông Hoàng nhìn nhận.
Biết thời điểm này đánh bắt không hiệu quả nhưng lão ngư Bùi Thanh Ninh vẫn quyết định cho tàu ra khơi. Theo ông Ninh, đang là mùa đánh bắt chính cá ngừ sọc dưa nên mỗi chuyến biển, những tàu cá của ông đạt sản lượng 10 - 20 tấn. Sở dĩ ông vẫn cho đội tàu cá ra khơi là để thuyền viên có thu nhập lo cho cuộc sống gia đình, cũng là để giữ họ gắn bó lâu dài với đội tàu. Tuy nhiên, ông mong nhà nước có thêm những chính sách hỗ trợ, trợ giá sản phẩm cho ngư dân nhằm chia sẻ khó khăn khi hải sản rớt giá.
Nguồn: Người Lao Động