(TSVN) – Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường sản xuất nuôi trồng thủy sản các tháng cuối năm 2024 đảm bảo kế hoạch tăng trưởng.
Theo Sở NN&PTNT Tây Ninh, Hồ Dầu Tiếng có diện tích rộng 27.000 ha, với dung tích khoảng 1,5 tỷ m3 nước. Tận dụng nguồn nước từ hồ, thời gian qua, ngoài việc cung cấp nước tưới cho nông nghiệp, nguồn lợi thủy sản trong hồ đang phát triển với nhiều loại hình có giá trị kinh tế cao như: cá lăng nha, ba ba, cá lóc, cá chình, cá bống tượng, cá tra,…
Ngoài ra, nghề nuôi thả thủy sản ở Tây Ninh cũng rất phát triển ở những địa phương có sông Vàm Cỏ Đông đi qua, tại đây đã thành lập ra các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản. Để sản lượng đánh bắt thủy sản tăng theo từng năm, tỉnh Tây Ninh cũng đã và đang làm tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các địa phương, qua đó, sản lượng thủy sản đã tăng đáng kể.
Tây Ninh khuyến khích phát triển sản xuất các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và các loài thủy sản nuôi bản địa, đặc hữu. Ảnh: Vũ Nguyệt
Tính đến cuối tháng 10/2024, tổng diện tích thả nuôi mới thủy sản trên toàn tỉnh đạt 433,5 ha, bằng 76,6 % kế hoạch. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 11.676 tấn, sản lượng khai thác đạt 1.667 tấn, bằng 83,3% kế hoạch.
Tây Ninh phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh đáp ứng 70 – 80% nhu cầu giống thủy sản trên địa bàn tỉnh; cơ cấu 37,5% giống thủy sản truyền thống; 37,5% giống thủy sản có năng suất và giá trị kinh tế cao và 25% thủy sản đặc sản.
Nhằm đảm bảo mục tiêu, kế hoạch tăng trưởng nuôi trồng thủy sản, phát triển sản xuất ổn định, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến, xuất khẩu, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát; Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường sản xuất nuôi trồng thủy sản các tháng cuối năm 2024 đảm bảo kế hoạch tăng trưởng.
Theo đó, UBND tỉnh đề nghị Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm thủy sản phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đặc biệt vào các tháng cuối năm, dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội đầu xuân,…
Sở NN&PTNT thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm, khuyến cáo kịp thời đến người nuôi để ứng phó hiệu quả với điều kiện môi trường nuôi có diễn biến bất lợi; kiểm tra, giám sát chặt chẽ và có biện pháp xử lý kịp thời các ổ dịch nhỏ lẻ, không để dịch bệnh lây lan sang diện rộng; tổ chức kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật thủy sản và thực hiện công khai theo quy định.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục phát triển nuôi trồng thủy sản theo định hướng của UBND tỉnh tại Đề án phát triển vùng nuôi trồng chuyên canh thủy sản gắn với hệ thống kênh thuộc công trình thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 và kế hoạch phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Hướng dẫn tiếp tục xuống giống thủy sản những diện tích chủ động kiểm soát điều kiện nuôi; Khuyến khích phát triển sản xuất các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và các loài thủy sản nuôi bản địa, đặc hữu; Quản lý chặt chẽ việc tuân thủ quy định của pháp luật thủy sản; Chủ động hướng dẫn, kết nối các địa phương, doanh nghiệp sản xuất giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, vật tư, trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản để cung ứng đủ nhu cầu nuôi thương phẩm.
Song song đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông giống, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, trục lợi, thao túng giá bất hợp lý. Tập trung chỉ đạo lồng ghép các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) và người nuôi. Tổ chức các liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong các chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản.
Khuyến khích doanh nghiệp, HTX, THT tiếp tục đầu tư, phát triển sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng, OCOP, Halal,… thúc đẩy tiêu thụ trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu; Khuyến cáo các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản: tập trung quản lý, chăm sóc tốt đối tượng nuôi chủ lực; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và áp dụng các giải pháp giảm giá thành trong sản xuất như cải tiến kỹ thuật nuôi để tăng tỷ lệ sống, tăng năng suất, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR), giảm tiêu hao nguyên liệu sản xuất, quản lý và duy trì tốt môi trường nuôi.
Nguyễn Hằng