Thách thức chưa thể lường hết

Chưa có đánh giá về bài viết

Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị về triển khai nhiệm vụ ngành tôm năm 2020 được tổ chức tại Sóc Trăng mới đây. Tuy nhiên, cùng với khó khăn, cơ hội của ngành hàng này cũng được đánh giá là không nhỏ.

Thị trường khả quan

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, trong quý I/2020, ngoại trừ thị trường EU và Trung Quốc giảm mạnh, còn lại thị trường Mỹ và Nhật Bản vẫn có sự tăng trưởng khá tốt. Chính điều này đã giúp kim ngạch xuất khẩu tôm trong 4 tháng đầu năm ước đạt 1 tỷ USD. Ông Hòe chia sẻ: “Trong số các doanh nghiệp được VASEP khảo sát cho thấy, hầu hết đều có kim ngạch xuất khẩu gần với ngưỡng bình thường của quý I và quý IV hàng năm. Chỉ có 14 doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu giảm, với mức giảm bình quân 10% và có đến 20/34 doanh nghiệp chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu của ngành có mức tăng trưởng 0,3 – 87%”.

Năm 2016, Tập đoàn Minh Phú đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 687 triệu USD    Ảnh: Nguyệt Nga

Không chỉ có kết quả khả quan trong 4 tháng đầu năm, theo dự báo, ngành tôm đang đứng trước cơ hội không nhỏ để có thể tăng tốc và về đích ở mức 3,8 tỷ USD, tức tăng khoảng 400 – 600 triệu USD so với kế hoạch. Dẫn chứng cho cơ hội trên, ông Hòe cho rằng, 2 nước xuất khẩu tôm lớn là Ấn Độ và Ecuador nhiều khả năng sẽ giảm sản lượng khoảng 50% do ảnh hưởng của dịch COVID-19; trong khi, với việc khống chế thành công dịch bệnh này, Việt Nam đang được các nhà nhập khẩu tôm tin tưởng tìm đến để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung từ 2 quốc gia trên.

Cùng có chung nhận định lạc quan về thị trường tôm, nhưng theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, để con tôm có thể tiêu thụ tốt hơn tại các thị trường, chúng ta cần đa dạng cỡ tôm khi thu hoạch, chứ không nên chỉ tập trung vào cỡ lớn. Theo phân tích của ông Quang: “Ngay cả thời điểm bình thường thì sức tiêu thụ tôm cỡ lớn cũng đã thấp hơn khá nhiều so với tôm cỡ trung và nhỏ. Với tình hình dịch COVID-19, các kênh tiêu thụ tôm cỡ lớn như: nhà hàng, khách sạn gần như đóng cửa nên nhu cầu sẽ còn giảm mạnh. Trong khi đó, do thu nhập giảm, người tiêu dùng sẽ chuyển sang sử dụng tôm cỡ trung và nhỏ nhiều hơn”.

 

Hướng tới sản xuất bền vững

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cơ hội tới đây của ngành tôm là không nhỏ, chúng ta cần phải nắm bắt và tận dụng thành công. Muốn làm được điều này, trước hết, các địa phương phải chỉ đạo làm sao đảm bảo thắng lợi cho vụ nuôi này, bởi nếu không có tôm thu hoạch thì mọi cơ hội đều sẽ trôi qua. Theo Bộ trưởng Cường: “Hiện nay, thời tiết, độ mặn khu vực ĐBSCL đang dần cải thiện qua các đợt mưa đầu mùa cộng diễn biến trên,  giá tôm đang ở mức tốt sẽ giúp người nuôi mạnh dạn thả giống nhiều hơn, đồng loạt hơn. Vì vậy, các ngành và địa phương cần tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý các vật tư đầu vào, môi trường, dịch bệnh thật tốt thì mới có vụ tôm thành công như ở năm 2019”.

Ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho rằng thị trường xuất khẩu tôm đang thuận lợi nhưng nhìn chung ngành tôm vẫn còn không ít khó khăn, thách thức về thời tiết, dịch bệnh và cả yếu tố giá cả thị trường. Ông Hiểu dẫn chứng: “Năm nay do ảnh hưởng hạn, mặn gay gắt ngay từ đầu năm, nên tiến độ thả tôm rất chậm. Tại Sóc Trăng đến nay chỉ mới thả hơn 10.000 ha trong tổng số 47.000 ha theo kế hoạch, còn toàn vùng thì cũng giảm khoảng 30%. Tuy số diện tích thả ít nhưng do nắng nóng, độ mặn cao cũng đã phát sinh dịch bệnh gây thiệt hại tôm nuôi. Tình hình trên sẽ còn tiếp tục gặp khó nếu có mưa lớn kéo dài trong tháng 5 và 6, vì hiện tiến độ thả giống đang có dấu hiệu tăng lên”.

Trao đổi với chúng tôi sau hội nghị trên, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm tỉnh Sóc Trăng đều có chung nhận định, Việt Nam đã cơ bản khống chế thành công dịch COVID-19 là thuận lợi lớn cho sự hồi phục của ngành tôm; tuy nhiên, thuận lợi trên có là cơ hội hay không và cơ hội lớn đến mức độ nào còn tùy thuộc nhiều vào yếu tố cung – cầu thị trường.

Dù cơ hội mở ra đang rất lớn, nhưng để nắm bắt, tận dụng có hiệu quả thì chúng ta vẫn còn không ít việc phải làm. Đó là sản xuất trong nước phải được hồi phục trước để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến, xuất khẩu; là các cơ chế, chính sách hỗ trợ phải kịp thời để nông dân và doanh nghiệp có đủ điều kiện phục hồi sản xuất; là công tác xúc tiến, mở rộng thị trường phải được quan tâm cập nhật thường xuyên…

>> Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Ngành tôm đang có cơ hội lớn để phục hồi và tăng tốc thời hậu COVID-19. Vì vậy, chỉ cần chúng ta biết cách vượt qua khó khăn nội tại, thách thức bên ngoài thì khả năng lội ngược dòng thành công sẽ là rất lớn.

An Xuyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!