Bước vào mùa mưa bão, các hộ nuôi trồng thủy sản đã chủ động triển khai nhiều biện pháp bảo vệ an toàn thủy sản, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Các hộ dân xã Điệp Nông (Hưng Hà) tăng cường bảo vệ diện tích nuôi cá lồng trên sông.
Xã Điệp Nông (Hưng Hà) có sông Luộc chảy qua. Tận dụng lợi thế này, người dân đã đưa mô hình nuôi cá lồng vào phát triển kinh tế. Anh Nguyễn Đại Dương, xã Điệp Nông cho biết: Gia đình tôi duy trì hơn 30 lồng nuôi cá. Bước vào mùa mưa bão năm nay, tôi đã chủ động gia cố cọc néo, mua thêm dây thừng chằng lại thành ngăn nuôi cá và vây lưới xung quanh các lồng để cá không nhảy ra ngoài khi nước dâng cao. Bố trí khu vực di chuyển lồng bè vào vùng an toàn, có dòng chảy phù hợp. Ngoài ra, khi bão đổ bộ vào đất liền, tôi chấp hành nghiêm chỉ đạo của UBND xã di chuyển người và vật tư vào bờ theo quy định.
Những năm gần đây, nuôi hải sản trên biển mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân cũng như tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khiến người nuôi lo lắng là tình trạng biến đổi khí hậu, mưa bão ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.
Ông Tạ Ngọc Khôi, Chủ tịch UBND xã Thái Đô (Thái Thụy) cho biết: Xã Thái Đô có 7km bờ biển, 1 cửa sông lớn, có diện tích nuôi thủy sản hơn 700ha. Bước vào mùa mưa bão năm nay, UBND xã đã xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân không chủ quan, khuyến cáo bà con những khu vực xung yếu, nguy hiểm khi bão đổ bộ để chủ động di dời đến nơi an toàn.
Đối với diện tích nuôi tôm 3.000m2 của ông Trần Văn Khởi, xã Nam Thịnh (Tiền Hải), những ngày qua ông đã chủ động tôn cao bờ và chuẩn bị lưới quây bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão. Thường xuyên vệ sinh môi trường ao nuôi sạch sẽ, gia cố thêm các điểm xung yếu cho chắc chắn. Chủ động chuẩn bị các vật tư cần thiết như lưới quây, máy bơm nước, máy phát điện để kịp thời xử lý sự cố xảy ra trong mùa mưa bão.
Diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 15.665,11ha, trong đó nước lợ 3.556,5ha, nước mặn 3.169ha, nước ngọt 8.939,61ha. Theo thông tin từ ngành chuyên môn, từ nay đến cuối năm thời tiết diễn biến theo hướng cực đoan, nắng nóng, mưa, bão kéo dài và không theo quy luật.
Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Trong mùa mưa bão, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi thủy sản, Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ diện tích nuôi thủy sản. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức tốt công tác tập huấn phòng, chống thiên tai. Đối với các huyện có diện tích nuôi cá lồng trên sông hướng dẫn người nuôi kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây néo, phao và chủ động di chuyển lồng nuôi về địa điểm an toàn, có điều kiện môi trường thuận lợi khi có mưa to, gió lớn. Ngoài ra, thường xuyên liên hệ với cơ quan chuyên môn và địa phương để có biện pháp xử lý phù hợp khi có sự cố xảy ra.
Đối với các hộ nuôi hải sản ven biển, ngành chuyên môn khuyến cáo ngay từ đầu mùa mưa bão cần tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ diện tích nuôi hải sản nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Đề nghị các địa phương tổ chức kiểm kê, rà soát các vùng nuôi hải sản, trạm bơm tiêu chống úng nhằm chủ động ứng phó khi có mưa to, bão lớn. Kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước, hướng dẫn người dân có biện pháp bảo vệ ao, đầm nuôi hải sản. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn người dân kỹ thuật gia cố, bảo vệ bờ, cống… Khi bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng cần khẩn trương thu hoạch đối tượng nuôi đã đạt kích thước thương phẩm.
Các hộ dân huyện Tiền Hải gia cố bờ vùng trong diện tích nuôi trồng thủy sản.
Mạnh Thắng
Nguồn: Báo Thái Bình