(TSVN) – Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình, toàn tỉnh có gần 7 ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh đốm trắng tại 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy. Khuyến cáo, người nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp để phòng, chống bệnh, hạn chế thiệt hại về kinh tế.
Cụ thể, tính đến ngày 12/5, bệnh đốm trắng trên tôm đã xuất hiện ở 46 ao nuôi của 32 hộ thuộc 4 xã: Thụy Hải, Thái Đô (Thái Thụy), Đông Minh, Nam Cường (Tiền Hải). Diện tích ao bị bệnh là 6,9 ha; số lượng giống thả 2,6 triệu con.
Hiện tượng tôm chết rải rác từ ngày 3/5, tôm chết ở giai đoạn sau 40 – 45 ngày thả nuôi. Nguyên nhân ban đầu được nhận định do thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch lớn kèm theo các trận mưa rào đầu mùa làm môi trường ao nuôi bất lợi khiến tôm yếu dần dẫn đến sức đề kháng giảm, tạo điều kiện cho virus bệnh đốm trắng phát triển.
Ngoài ra, người nuôi sử dụng con giống không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch dẫn đến tôm giống bị nhiễm bệnh; cải tạo ao đầm chưa kỹ dẫn tới mầm bệnh vẫn lưu cữu trong ao; việc cấp nước cho ao nuôi tôm không qua ao lắng; virus phát tán qua các ký chủ trung gian…
Bệnh đốm trắng vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Để chủ động phòng, chống, ngăn chặn kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo:
Đối với ao tôm bị bệnh, phải thực hiện ngay việc thu gom, tiêu hủy tôm bị chết, không vứt xác tôm chết bừa bãi, không xả nước của ao nuôi tôm đã bị bệnh trực tiếp ra môi trường. Xử lý triệt để mầm bệnh trong ao bằng hóa chất Chlorine nồng độ 30 ppm (30 g/m3 nước), giữ nguyên mực nước trong ao đã xử lý sau 7 – 10 ngày mới được xả nước ra ngoài môi trường.
Đối với những ao nuôi nghi nhiễm, không được tùy tiện xả nước ra ngoài khi chưa được xử lý theo hướng dẫn.
Đối với những ao nuôi chưa nhiễm, trong thời gian này không nên lấy nước vào ao mà định kỳ 7 – 10 ngày/lần sử dụng vôi bột, hóa chất hoặc chế phẩm vi sinh học để xử lý ổn định môi trường ao nuôi.
Sau khi tình hình dịch bệnh ổn định cần thực hiện nghiêm khuyến cáo của ngành nông nghiệp và cải tạo ao nuôi, thả lại tôm cỡ lớn từ 2 – 3 cm/con hoặc san thưa mật độ tôm từ ao nuôi không bị bệnh nuôi xen ghép với cua xanh hoặc chuyển đổi sang các đối tượng nuôi khác phù hợp với điều kiện ao nuôi, không để tình trạng diện tích bị bỏ hoang.