(TSVN) – Thời tiết thuận lợi, người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để vào vụ nuôi mới.
Tại các xã ven biển của huyện Tiền Hải, huyện Thái Thụy, chính quyền địa phương đang tích cực chỉ đạo nông dân tập trung cải tạo, vệ sinh ao, đầm bảo đảm các điều kiện để thả giống thủy sản vụ mới. Năm 2025, huyện Thái Thụy phấn đấu duy trì diện tích nuôi thủy sản đạt 4.216 ha. Đến nay, người dân trong huyện đã cải tạo ao đầm đạt 70%. Thái Thượng là địa phương có truyền thống nuôi trồng thủy sản, xã duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ hơn 200 ha, trong đó trên 60 ha nuôi tôm công nghiệp.
Người dân cần lựa chọn con giống bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: Tép Bạc
Anh Bùi Văn Lĩnh, xã Thái Thượng cho biết: “Ngay sau khi thu hoạch xong ao tôm thẻ chân trắng vụ Đông, gia đình tôi đã chủ động tu sửa ao, đầm, đưa toàn bộ chất thải, tạp chất ra khỏi ao nuôi. Bên cạnh đó, tôi tiến hành tu sửa những công trình xuống cấp như bờ ao nuôi, cống đầu mối, nạo vét kênh mương dẫn nước vào ao; tiến hành rắc vôi bột đáy ao, bờ ao theo đúng quy trình để diệt khuẩn, diệt tạp và ổn định pH đất mặt đáy ao nuôi”.
Tại vùng nuôi thủy sản xã Nam Thịnh (huyện Tiền Hải), bà con cũng đang gấp rút hoàn thành các công đoạn vệ sinh ao, đầm, sẵn sàng bước vào vụ mới. Ông Nguyễn Văn Hinh, thôn Hợp Châu chia sẻ: “Để có vụ nuôi thủy sản hiệu quả và hạn chế dịch bệnh, khâu chuẩn bị, vệ sinh ao, đầm rất quan trọng. Những ngày qua, tôi đã thuê lao động cải tạo ao, đầm, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho vụ nuôi tôm mới. Tôi đã đầu tư 20 triệu đồng cải tạo 1 ha nuôi tôm công nghệ cao, đồng thời liên hệ với cơ sở cung cấp giống uy tín để chuẩn bị nhập giống về nuôi”.
Theo Khung thời vụ lịch nuôi trồng thủy sản của địa phương, ngành chức năng đã tích cực tuyên truyền người dân về thời gian cải tạo ao đầm từ tháng 1 đến ngày 20/3, đối với vùng nuôi thủy sản nước ngọt nội đồng kết thúc cải tạo trước ngày 15/2; nuôi thủy sản lồng/bè, bãi triều thực hiện cải tạo, vệ sinh sau mỗi vụ thu hoạch hoặc trước khi thả nuôi vụ mới. Thả giống thủy sản vụ xuân hè từ tháng 4, sau tiết Thanh minh. Đến ngày 11/2, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành cải tạo ao, đầm trên 60% diện tích thủy sản.
Để công tác chuẩn bị vụ nuôi được hiệu quả, Chi cục Thủy sản Thái Bình đã cử cán bộ tới các vùng nuôi thủy sản hướng dẫn các hộ dân phương pháp xử lý ao nuôi, khuyến cáo người dân sau khi cải tạo ao, đầm cần chú trọng kiểm soát chặt chẽ nguồn con giống bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng và tuân thủ mật độ thả nuôi bảo đảm hợp lý tại các vùng nuôi trên địa bàn đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn. Triển khai công tác tập huấn, chuyển giao kiến thức, kỹ thuật về nuôi thủy sản cho người dân. Khuyến cáo người nuôi thực hiện tốt lịch thời vụ thả giống, quy trình kỹ thuật nuôi, phòng tránh một số bệnh gây hại trên thủy sản. Đồng thời, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình VietGAP để mang lại giá trị cao.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, thay thế, bổ sung đàn thủy sản bố mẹ bảo đảm chất lượng theo quy định. Các cơ sở kinh doanh giống thủy sản cung ứng giống bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng đủ nhu cầu con giống để người dân tập trung xuống giống trong khung thời vụ.
Đồng thời, nâng cao nhận thức, hướng dẫn người nuôi thực hiện tốt các quy định trong nuôi trồng thủy sản, phòng, chống dịch bệnh thủy sản; giám sát chặt chẽ quá trình xử lý hóa chất khi phát sinh dịch bệnh. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nuôi trong việc thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh thú y, thủy sản.
Thanh Hiếu
Năm 2025, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh Thái Bình đạt 15.365,09 ha, trong đó nước lợ 3.256,48 ha, nước ngọt 8.939,61 ha,...; phấn đấu sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 196,2 nghìn tấn; giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản ước đạt 4.585,3 tỷ đồng, tăng 3,9% so năm 2024.