Thái Bình: Chuẩn bị tốt các điều kiện cho vụ nuôi mới

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời điểm này, người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để bước vào vụ nuôi chính trong năm. Việc này không chỉ tạo ra sự chủ động trong quá trình nuôi mà còn giúp hạn chế dịch bệnh, nâng cao năng suất.

Tuân thủ khuyến cáo

Mặc dù trong bối cảnh nhiều khó khăn về dịch bệnh, thời tiết diễn biến phức tạp, giá thấp… Thế nhưng, năm 2023, hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS) của tỉnh Thái Bình phát triển tương đối ổn định, kết quả này là cả một nỗ lực đáng ghi nhận của toàn ngành.

Người dân đang tích cực cải tạo ao để chuẩn bị thả giống vụ mới. Ảnh: Hữu Phước

Ông Nguyễn Mạnh Khương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Bình cho biết: Tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh năm 2023 ước đạt 289.493 tấn (tăng 3,3% so cùng kỳ năm 2022). Trong đó, sản lượng nuôi trồng ước đạt 188.098 tấn, tăng 3,4% (ngao đạt 124.478 tấn; nước lợ đạt 15.360 tấn; nước ngọt đạt 48.260 tấn). Tổng diện tích NTTS đạt 15.665,11 ha, tương đương cùng kỳ năm 2022.

Kế hoạch năm 2024, tỉnh Thái Bình phấn đấu tổng diện tích NTTS đạt 15.665,11 ha, trong đó nước lợ 3.556,5 ha, nước mặn 3.169 ha, nước ngọt 8.939,61 ha…; sản lượng thủy sản đạt 297.000 tấn, trong đó nuôi trồng 193.000 tấn; giá trị sản xuất NTTS ước đạt 6.125 tỷ đồng. 

Theo đó, vụ xuân hè năm 2024, tỉnh Thái Bình cải tạo 12.496,11 ha ao đầm NTTS. Để chuẩn bị tốt các điều kiện, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tích cực hướng dẫn người dân cải tạo ao đầm, đúng kỹ thuật, tuân thủ lịch thời vụ thả nuôi.

Ông Đỗ Đức Thiện, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp (xã Nam Cường, huyện Tiền Hải) cho biết: Vụ xuân hè năm nay, hợp tác xã cải tạo hơn 100 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, cua, cá. Ngành chuyên môn của tỉnh, huyện chỉ đạo xã tập trung tuyên truyền các hộ NTTS tiến hành cải tạo ao từ cuối tháng 1 đến ngày 20/3. Thời gian cải tạo khoảng 40 – 45 ngày. Thời gian này, công việc cải tạo ao đầm, chuẩn bị các trang thiết bị, máy móc cần thiết phục vụ NTTS đầu tiên trong năm đã và đang được người dân khẩn trương hoàn thiện trước khi hợp tác xã lấy nước vào hệ thống.

Còn ông Phạm Văn Quang, xã Nam Thịnh chia sẻ: Sau mỗi vụ nuôi tôm, do quá trình chăm sóc lượng thức ăn dư thừa, chất thải và mầm bệnh lắng đọng tích tụ dưới đáy và bờ ao sẽ làm ô nhiễm môi trường ao nuôi, gây bệnh cho tôm. Vì vậy, nếu không cải tạo, xử lý ao nuôi sẽ dẫn đến thiệt hại lớn cho người nuôi. Thời gian qua, ngành chuyên môn cũng đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật. Đây sẽ là những kiến thức cần thiết để tôi áp dụng vào quá trình cải tạo và xuống giống thủy sản.

Tăng cường kiểm tra 

Cùng với những hộ nuôi tôm công nghiệp, các hộ nuôi theo hình thức bán thâm canh, quảng canh cũng đang tích cực cải tạo ao đầm để nuôi vụ mới. Riêng đối với vùng nuôi thủy sản nước lợ, người dân sử dụng phương pháp cải tạo khô và cải tạo ướt, sử dụng máy sục rửa bùn, thu dọn rong rêu và gia cố lại bờ, cống. Sau khi cải tạo xong mới lấy nước vào ao, đầm thau rửa để diệt tạp. 

Để công tác cải tạo ao đầm đạt kết quả cao, thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Thái Bình đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc các hộ nuôi tập trung cải tạo ao đầm, bãi triều, lồng bè theo đúng kỹ thuật, chuẩn bị tốt cho công tác thả giống thủy sản, tuân thủ lịch thời vụ, cơ cấu đối tượng, mật độ thả giống. 

Ngoài ra, địa phương sẽ tăng cường công tác quản lý vật tư đầu vào phục vụ NTTS, trong đó tổ chức kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, ương dưỡng con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường. Các cơ sở sản xuất giống chuẩn bị các điều kiện để cung ứng con giống bảo đảm chất lượng cho người dân.

Bên cạnh đó, triển khai và thực hiện tốt công tác tập huấn, chuyển giao kiến thức, kỹ thuật cho người dân. Vận động các hộ đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào NTTS. 

Trước khi thả nuôi, cần tiến hành kiểm tra các chỉ số môi trường ao nuôi để điều chỉnh cho ổn định, phù hợp với yêu cầu sinh thái của đối tượng nuôi. Công tác cải tạo ao đầm và chuẩn bị giống, vốn, vật tư, thuốc thú y phải sẵn sàng trước khi bắt đầu vụ nuôi mới vào đầu tháng 4/2024.

Thanh Hiếu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!