Thái Bình: Khuyến khích nuôi cá lồng trên sông

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời gian qua, nghề nuôi cá lồng đã phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giúp hàng nghìn hộ dân cải thiện sinh kế, tăng thu nhập.

Địa phương hỗ trợ

Thái Bình có gần 8.500 km chiều dài các con sông, ngòi trong và ngoài đê, trong đó có khoảng 244 km thuộc các sông Hồng, Trà Lý, Luộc và sông Hóa có dòng chảy liên tục, phù hợp với điều kiện nuôi cá lồng. Đặc biệt, những đoạn sông này thường là cong, gấp khúc, tốc độ dòng chảy trung bình 0,5 m/s; được bồi phù sa, do đó không ảnh hưởng đến luồng giao thông đường thủy.

Nghề nuôi cá lồng trên sông đã được một số người dân sống ven các sông lớn nuôi cách đây hơn 30 năm. Ban đầu các hộ dân nuôi theo hình thức tự phát, kinh nghiệm ít, chưa đầu tư nhiều… nên hiệu quả kinh tế không cao. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, nhờ sự vào cuộc của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, nghề nuôi cá lồng đã có những tín hiệu tích cực. 

Nhiều hộ dân nuôi cá lồng cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Hữu Phước

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hưng Hà cho biết: Trước đây, Hưng Hà đã có cơ chế hỗ trợ cho các hộ nuôi cá lồng, cứ mỗi lồng cá mới huyện hỗ trợ trên 10 triệu đồng, hỗ trợ toàn bộ chi phí đường điện theo quy định đến điểm nuôi cá lồng, tạo tiền đề cho các hộ nông dân phát triển nghề nuôi cá lồng. Đến nay, toàn huyện Hưng Hà có trên 275 lồng nuôi cá ở các xã: Hồng An, Điệp Nông, Độc Lập, thị trấn Hưng Nhân… Để khuyến khích phát triển nuôi cá lồng, Hưng Hà tiếp tục chỉ đạo các địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân nuôi cá lồng theo quy hoạch và có cơ chế phù hợp động viên, khuyến khích người dân mở rộng diện tích nuôi cá lồng.

Mở rộng sản xuất

Hiện, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 654 lồng nuôi cá trên sông với thể tích hơn 72.000 m3. Nghề nuôi cá lồng phát triển chủ yếu ở các huyện như: huyện Hưng Hà với 275 lồng, huyện Quỳnh Phụ 196 lồng và huyện Vũ Thư hơn 100 lồng. Các loại cá nuôi đa dạng gồm: Cá lăng, điêu hồng, rô phi, trắm giòn, chép giòn, ngạnh, trắm cỏ… So với nuôi cá trong ao, nuôi cá lồng trên sông mang lại giá trị kinh tế cao hơn 4 – 5 lần.

Anh Nguyễn Văn Tuy, xã Quỳnh Ngọc có 40 lồng với đủ các loại cá như trắm cỏ, cá leo, cá lăng, cá chép giòn… Mỗi vụ, anh Tuy thu hoạch từ 5 – 7 tấn cá/lồng. Năm 2023, gia đình anh thu hoạch được gần 40 tấn cá từ 15 lồng, trừ chi phí, anh thu lãi trên 1 tỷ đồng.

Nhờ hiệu quả kinh tế cao, nhiều địa phương đang tiếp tục khuyến khích các hộ nuôi cá lồng trên sông, trong đó chú trọng hỗ trợ các hộ tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư.

Để phát triển, nhân rộng nghề nuôi cá lồng, thời gian tới, ngành nông nghiệp Thái Bình cùng chính quyền các địa phương tiếp tục định hướng rõ quy mô phát triển nuôi cá lồng cũng như các đối tượng nuôi đạt giá trị, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thời tiết, nguồn nước. Tăng cường cán bộ kỹ thuật, nhất là kỹ sư về thủy sản. Mở thêm các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Đặc biệt, tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất.

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!