Hiện, toàn tỉnh Thái Bình có 1.202 tàu đánh bắt cá, với tổng công suất 75.211 CV; trong đó, 180 chiếc công suất trên 90 CV. Những năm gần đây, công nghệ khai thác hải sản đã có sự thay đổi theo hướng hiện đại, một số ngư dân đã đầu tư các loại lưới đánh bắt cho hiệu quả kinh tế cao như lưới 3 lớp khai thác mực nang, lưới rê cá dưa, cá đé…
Đồng thời, việc đầu tư đóng mới, cải hoán các phương tiện đánh bắt đang có sự chuyển dịch sang nhóm tàu có công suất máy trên 90 CV để khai thác xa bờ. Cùng với việc khai thác thủy sản, cơ sở hậu cần, dịch vụ nghề cá cũng phát triển khá mạnh, toàn tỉnh hiện có 147 cơ sở chế biến thủy sản, sản phẩm chủ yếu là nước mắm, cá khô, cá bột… Hàng năm, các cơ sở này đã thu mua của ngư dân hàng chục nghìn tấn sản phẩm thủy sản. Mặc dù, sản lượng khai thác thủy sản hàng năm đều tăng cao, song nghề cá địa phương hoạt động vẫn ở quy mô nhỏ, cơ cấu thuyền đánh bắt, dịch vụ hậu cần chưa hợp lý, chưa khai thác hết tiềm năng hiện có.
Do đó, để ngư dân yên tâm bám biển đánh bắt xa bờ cần phải tổ chức lại sản xuất từ việc khai thác đến hiện đại hóa đội tàu cho phù hợp với từng nhóm nghề, ngư trường. Hiện, tỉnh, ngành Nông nghiệp và các đơn vị chức năng liên quan có nhiều hoạt động tích cực, xây dựng các giải pháp đồng bộ, phát triển phương tiện đánh bắt xa bờ. Trước mắt, các cấp chính quyền cơ sở đang quản lý tàu khai thác hải sản cần tổ chức tuyên truyền thường xuyên cho ngư dân nhận thức đúng vai trò của việc phát triển phương tiện đánh bắt hải sản xa bờ; Đồng thời, xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, năng lực quản lý, nhất là quản lý tàu đánh bắt cá khơi xa, hạn chế đóng mới, mua tàu dưới 90 CV… Mặt khác, cần tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật công nghệ khai thác hải sản (như máy dò cá, độ sâu, định vị vệ tinh, thông tin liên lạc) giúp các chủ phương tiện nâng cao hiệu quả khai thác. Phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá đủ mạnh, có khả năng vươn khơi để thu mua, sơ chế trên biển…