Thái Lan “bật đèn xanh” cho nhập khẩu tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Vốn là nhà xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới nhưng hiện nay sản lượng tôm của Thái Lan đang sụt giảm mạnh do dịch bệnh. Theo đó, quốc gia này đang “bật đèn xanh” cho tôm nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Sản lượng tôm của Thái Lan đang trên đà giảm một nửa so với mức cao nhất trong năm nay khi dịch bệnh quét qua các trang trại của nước này, gây áp lực lên Chính phủ trong việc đảm bảo đủ nguồn cung cho người tiêu dùng trong nước, đồng thời hỗ trợ các nhà sản xuất quy mô nhỏ.

Tôm rất quan trọng đối với đời sống của Thái Lan, không chỉ là nguyên liệu chính trong các món ăn địa phương như tom yum mà còn là động lực kinh tế. Tôm sú và TTCT là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước.

Một quầy hải sản trong siêu thị ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Kosuke Inoue

Ngành công nghiệp tôm Thái Lan đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các dịch bệnh như Hội chứng tôm chết sớm (EMS) trong hơn 10 năm qua. Sản lượng tôm của nước này dự kiến ​​chỉ đạt 270.000 tấn trong năm 2022, giảm mạnh so mức đỉnh hơn 600.000 tấn trong năm 2011. Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho hay, Thái Lan là quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới cho đến năm 2012, nhưng đã tụt lại phía sau Ấn Độ và Ecuador vào năm 2016.

Tháng 8/2022, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra quyết định bất thường khi nhập khẩu khoảng 10.000 tấn tôm từ Ecuador và Ấn Độ để đối phó với tình trạng thiếu hụt ngày càng tăng trong nước. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Thái Lan Chalermchai Suwannarak cho biết: “Các bên liên quan đã đồng ý cho phép nhập khẩu”.

Ngoài ra, Chính phủ và người nuôi tôm Thái Lan trong tháng 8/2022 cũng đã đưa ra mức giá tối thiểu từ 119 – 180 TBH/kg (3,16 – 4,75 USD/kg) để bảo vệ sản xuất địa phương.

Tuy nhiên, nhiều lo ngại rằng, việc tăng nguồn cung tôm trong nước thông qua nhập khẩu có thể khiến giá giảm. Nhiều người trong số 30.000 người nuôi tôm của Thái Lan điều hành quy mô sản xuất cực kỳ nhỏ, ít khả năng thương lượng hơn so với các công ty chế biến – những đơn vị đã mua ở mức giá sàn hoặc quanh mức giá sàn. Điều này rất đáng lo ngại bởi đây có thể là lý do khiến nhiều nông dân nuôi tôm nước này rời khỏi ngành, cản trở sự phục hồi của sản xuất tôm trong nước.

Đảm bảo nguồn cung tôm ổn định sẽ đòi hỏi phải chi tiêu đáng kể cho nghiên cứu, bao gồm cả giải pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Người đứng đầu nhóm sản xuất Hiệp hội tôm Thái Lan cho biết: “Hỗ trợ lâu dài, chẳng hạn như chia sẻ bí quyết về thực hành nuôi tốt hơn là rất quan trọng”.

Cũng theo Hiệp hội tôm Thái Lan, phần lớn tôm xuất khẩu của Thái Lan là sang Mỹ, tiếp theo là Nhật Bản. Tôm là một nguyên liệu phổ biến trong các mặt hàng thực phẩm đông lạnh ở Nhật Bản và sự thiếu hụt ở Thái Lan có thể khiến giá tôm tăng lên.

Thái Lan đặt mục tiêu sản xuất 400.000 tấn tôm mỗi năm sớm nhất là vào năm 2023. Giải quyết những thách thức và lo ngại sẽ là chìa khóa để đạt được mục tiêu này.

Thảo Nguyên

Theo Asia.nikkei

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!