Trong khi tôm Ấn Độ và Việt Nam khốn đốn với rào cản Ethoxyquin từ Nhật Bản thì Thái Lan lại đang hưởng lợi. Người nuôi tôm Thái Lan hiện ưu tiên sử dụng Probiotics thay kháng sinh.
Giải pháp Probiotics
Theo ước tính của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), nuôi trồng thủy sản sẽ đáp ứng được một nửa nhu cầu thủy sản của thế giới khi mà hiện nay đánh bắt tự nhiên đang bị khai thác quá mức.
Công nhân lột vỏ tôm tại một nhà máy chế biến ở tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan – Ảnh: Washingtonpost
Nuôi tôm (chủ yếu tôm sú) phổ biến khắp thế giới, nhất là những nước nhiệt đới. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, nghề nuôi tôm bị tổn thất nặng nề vì dịch bệnh, chủ yếu do Vibrio phát sáng và/hoặc virus. Người nuôi thường sử dụng thuốc kháng sinh nhằm giảm thiệt hại này. Tuy nhiên, sử dụng thuốc kháng sinh quá mức, không đúng cách trong nhiều trường hợp sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc trong kiểm soát bệnh, bởi sự gia tăng kháng thuốc (lờn thuốc). Cùng đó, nhiều loại kháng sinh được dùng tại các trại nuôi tôm có sức bền khá cao trong môi trường và có thể lan ra vùng nước xung quanh qua đường thoát nước, nước thải. Trong môi trường quanh, chúng có thể thay đổi hệ sinh thái bằng cách thay đổi cấu trúc thông thường của vi khuẩn và cũng có những ảnh hưởng độc tính rất lớn đối với động vật và thực vật dưới nước. Chúng cũng có thể được sinh vật hấp thụ, ví dụ như những con vẹm, loài thủy sản được nhiều địa phương khai thác và ăn. Ðiều đó có nghĩa, dư lượng kháng sinh trong thực phẩm không chỉ đe doạ người tiêu dùng tôm ở nước nhập khẩu mà còn đe dọa cả người sống trong vùng nuôi tôm. Và Probiotics được xem như một công nghệ nhằm cung cấp một giải pháp cho những vấn đề này.
Cơ hội
Quy định siết chặt kiểm tra dư lượng Ethoxyquin của Nhật Bản đối với tôm nhập khẩu từ Ấn Độ và Việt Nam đang tạo thêm cơ hội cho tôm Thái Lan trên thị trường Nhật Bản. Trong năm nay, xuất khẩu tôm Thái Lan dự kiến đạt 350.000 – 360.000 tấn, giảm 10% cả về khối lượng và giá trị so với năm ngoái. Năm 2011, Thái Lan đã xuất khẩu 390.000 – 450.000 tấn tôm, trị giá 3,2 tỷ USD.
Tôm thẻ chân trắng được thu hoạch ở Thái Lan – Ảnh: Fishconsult.org
Mỹ và EU là hai thị trường tiêu thụ chính của tôm Thái Lan. Tuy nhiên, trong năm 2012, cả hai thị trường này đều chịu tác động mạnh của khủng hoảng kinh tế. Xuất khẩu tôm Thái Lan sang Mỹ giảm 40 – 50%. Người tiêu dùng Mỹ đang thắt chặt chi tiêu nên chuyển sang nhập khẩu tôm Ấn Độ giá rẻ hơn. Cùng đó, ngành tôm Thái Lan cũng đang phải cạnh tranh gay gắt với đối thủ khác như Ecuador và Indonesia đang dần phục hồi sau dịch bệnh đốm trắng trong hai năm qua. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm Thái Lan sang Nhật lại tăng 23%, phần nào đã bù đắp lại tổn thất trên thị trường Mỹ.
Xuất khẩu tôm Thái Lan hàng tháng từ năm 1997 đến 2004 – (Nguồn: Biotec)
Giá tôm Thái Lan cũng đang tăng dần. Giá bán tôm cỡ 70 con/kg hiện khoảng 150 Bath (trước đó 120 – 130 Bath). Dự kiến, giá tôm còn tăng trong mấy tháng cuối năm nay. Somsak Praneetatyasai – Chủ tịch Hiệp hội Tôm Thái Lan cho biết: Giá tăng sẽ khuyến khích người nuôi tôm tiếp tục thả nuôi trong năm tới.
>> Người nuôi tôm Thái Lan đang được khuyến cáo không nên tăng sản lượng do rủi ro dịch bệnh và cần lưu ý hơn tới tình hình thời tiết khi thả nuôi. |