Thái Nguyên: Đánh thức tiềm năng nuôi trồng thủy sản ở Định Hóa

Chưa có đánh giá về bài viết

Mỗi sào ruộng trong khe núi, người dân vùng sâu, vùng xa của huyện Định Hóa đắp thành ao nuôi cá cho thu nhập gấp 5-6 lần so với cấy lúa. Nếu đầu tư thâm canh và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh chặt chẽ, giá trị sản xuất sẽ vượt ngưỡng 500 triệu đồng/ha mỗi năm.

Mô hình nuôi cá của gia đình ông Lưu Sùng Ký (ở xóm Nà Chú, xã Linh Thông, Định Hóa) mỗi năm cho thu nhập trên 40 triệu đồng/sào ao.

Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi theo chân tư thương về xóm Nà Chú, xã Linh Thông, thu mua cá thương phẩm chăn thả ở ao và ruộng. Chị Lương Thị Loan, trú tại xã Tân Dương (Định Hóa), cho biết: Cứ đến độ chuẩn bị cấy lúa mùa là các ao cá, ruộng 1 vụ chăn thả cá đủ 5-6 tháng cho thu hoạch, bà con lại gọi điện báo cho chúng tôi đến từ 4 giờ sáng để gom và giao cho các nhà hàng ở TP. Thái Nguyên, thậm chí cả Hà Nội ngay trong ngày. Cá trắm cỏ bình quân đạt từ 2-3kg/con, cá chép từ 1,8-2,5kg/con. Thời vụ thu hoạch tập trung gần 1 tháng, mỗi tuần khoảng 30 đầu mối thu gom đạt từ 2-3 tạ cá giao đi các nhà hàng. Ưu điểm là cá được chăn thả trong nguồn nước khe suối chảy tự nhiên, thức ăn chủ yếu từ cỏ và cám gạo nén viên, nên chất lượng thịt chắc và thơm, khách hàng rất ưa chuộng.

Gia đình ông Lưu Sùng Ký ở xóm Nà Chú có 3 ao cá rộng hơn 1.000m2 được cải tạo từ ruộng lầy thụt trong khe núi. Mỗi năm, diện tích này cho thu nhập trên 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí giống và thức ăn. Ông Ký chia sẻ: Ao có thể kết hợp chăn nuôi ngan, vịt trên mặt nước khi cá đã lớn. Thành phần cá nuôi thì chia làm 2 loại, như: cá ngắn ngày, ăn cám và thức ăn nổi là rô phi và tầng sâu là trắm, chép, ốc nhồi… Hiệu quả từ khai thác nguồn lợi thủy sản ở vùng núi được nhân rộng, từ chỗ chỉ có hơn chục hộ trong xóm nuôi thì nay đã có trên 40 hộ nuôi cá, chăn thả gia cầm, góp phần tăng thu nhập.

Còn gia đình anh Nông Tiến Kiên ở xã Phượng Tiến thì tận dụng khe nước tự chảy để ngăn thành ao và xây hệ thống thuỷ luân, bảo đảm nguồn nước ổn định quanh năm cho hơn 2.000m2 ao cá. Anh Kiên nuôi cá theo hình thức luân canh và liên thông giữa các ao, để mỗi chu kỳ chuyển cá theo từng lứa vào từng ao riêng. Cách làm này vừa dễ kiểm soát dịch bệnh và phân loại cá theo lứa trong từng thời điểm. Theo tính toán của gia đình, mỗi năm 1 sào mặt nước nuôi thủy sản đạt từ 40-50 triệu đồng, cao gấp 5-6 lần cấy lúa 2 vụ.

Chính từ việc tận dụng nguồn nước tự chảy trong khe núi và các thửa ruộng cấy lúa năng suất thấp, gia đình anh Kiên đã đầu tư nuôi thủy sản, mở rộng từ 1 sào lên 5 sào. Anh cho biết: Cấy lúa, trồng ngô thì mất nhiều công chăm sóc và thu hoạch, nhưng nuôi thủy sản thì có thể thu hoạch quanh năm. Cá nuôi lâu càng lớn, chất lượng thịt càng ngon, giá bán càng cao.

Trên địa bàn huyện Định Hóa hiện có hai hình thức nuôi thả cá mang lại hiệu quả kinh tế cao, là nuôi ao thâm canh và nuôi cá ruộng bán thâm canh. Từ năm 2019 đến nay, huyện đã tập trung chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản cho các hộ nông dân vùng có điều kiện về nguồn nước, như xã Bảo Cường, Đồng Thịnh, Kim Phượng, Phượng Tiến, Phúc Chu, Bảo Linh, Quy Kỳ…

Từ chăn thả tự do, sau khi được chuyển giao kỹ thuật, đến nay đa số các hộ nuôi cá đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm và mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích. Đặc biệt, mặt nước nuôi bán thâm canh thả cá trên ruộng lúa được nhân rộng từ 300ha (năm 2020), lên trên 700ha hiện nay.

Chị Nguyễn Thị Huyến, xóm Lợi B, xã Phượng Tiến, chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá ruộng: Với ưu điểm dễ nuôi, cá lớn nhanh, đầu tư thấp, kháng bệnh tốt và thích nghi với điều kiện nuôi trên ruộng, thời gian nuôi cá trung bình từ 25-35 ngày là có thể bán. Một sào ruộng cho sản lượng từ 25-30kg cá, với giá bán trung bình từ 80-100 nghìn đồng/kg, trừ chi phí thì bà con có khoản thu nhập trên 1 triệu đồng. Không chỉ vậy, cá còn ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại và thải phân làm tốt lúa vụ sau…

Thực tế có thể thấy, nuôi trồng thủy sản ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Định Hóa đã góp phần quan trọng tăng trưởng kinh tế nông nghiệp những năm gần đây. Tuy nhiên, để hình thành vùng hàng hóa và thâm canh chiều sâu, cần có hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh chặt chẽ mang tính bền vững.

Nguồn: Báo Thái Nguyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!