Năm 2013, ngoài việc triển khai các chương trình khuyến ngư thường xuyên như tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, biện pháp phòng trị một số bệnh thường gặp ở các loại thủy sản nước ngọt; triển khai 3 mô hình thâm canh cá tổng hợp trong ao theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP)… Trung tâm Thủy sản Thái Nguyên lần đầu tiên xây dựng mô hình hỗ trợ nông dân chăn nuôi thủy sản tại huyện Phú Lương với 4 hộ tham gia.
Thực hiện mô hình này, các hộ được vay vốn không lãi suất bằng nguồn cá giống do các đơn vị trực thuộc Trung tâm sản xuất. Trong số 4 hộ, gia đình ông Hoàng Ngọc Dân, xóm Đồng Chợ, xã Phủ Lý đã mạnh dạn nuôi với diện tích lớn nhất (3,4) ha; tiếp đến là các gia đình ở xóm Khuôn Cướm, xã Yên Trạch – ông Mai Văn Giang nuôi 0,4ha, ông Ma Văn Tài nuôi 0,3ha và ông Ma Văn Ninh nuôi 0,1. Các giống cá được đưa vào chăn thả là chép,; rô phi đơn tính, trôi Ấn Độ, trắm cỏ,vược, mè hoa… Tổng giá trị tiền cá giống cho các hộ trên vay gần 15 triệu đồng. Theo nhận định của ông Hoàng Ngọc Dân, do chất lượng con giống đảm bảo nên hiện nay cá đang sinh trưởng, phát triển rất tốt, dự kiến 2,3 tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Năng suất cá ước đạt khoảng 8 tấn/ha, cao hơn 20-30% so với những vụ chăn nuôi trước. Còn ông Mai Văn Giang cho rằng sau khi được cán bộ của Trung tâm Thủy sản hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị các loại bệnh cho cá, ông đã có thêm nhiều kiến thức để tiếp tục duy trì và phát triển chăn nuôi thủy sản trên những diện tích ao, hồ hiện có của gia đình.
Trại cá Hòa Sơn (thị trấn Hương Sơn, Phú Bình) hiện có 3,8ha ương nuôi giống cá, mỗi năm sản xuất được trên 200 triệu con cá (gồm bột, hương, giống). Đây là đơn vị sẽ cung ứng giống cá cho các hộ dân tham gia mô hình khuyến ngư mới. Trong ảnh Công nhân Trại cá Hòa Sơn xuất bán cá hương cho khách hàng.
Ông Vũ Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Thủy sản cho biết: Để khuyến khích người dân phát triển thủy sản, chúng tôi đã từng hỗ trợ nông dân vốn, con giống (không hoàn lại)… Một số hộ dân thấy được hỗ trợ đã đăng ký tham gia chương trình, nhưng sau khi các mô hình kết thúc, họ cũng ngừng đầu tư chăn nuôi thủy sản nên nhiều mô hình không thể nhân rộng được trên địa bàn. Còn hỗ trợ theo hình thức cho vay vốn bằng nguồn cá giống, chúng tôi sẽ tìm được những hộ có nhu cầu chăn nuôi thủy sản thực sự và họ luôn có ý thức, trách nhiệm trong việc chăn nuôi để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất, từ đó thu hồi được vốn trả cho Trung tâm và có lãi trang trải cuộc sống gia đình.
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy, thực hiện mô hình này đã giúp người dân tiếp cận được với các đơn vị sản xuất giống cá có uy tín trên địa bàn tỉnh, từ đó tránh được tình trạng bà con mua phải con giống kém chất lượng, dẫn đến bị thất thu khi đầu tư chăn nuôi thủy sản. Về phía các đơn vị sản xuất cá giống cũng đã có thêm thị trường để tiêu thụ con giống, tăng doanh thu và thu nhập cho công nhân.
Thấy được hiệu quả từ mô hình này, năm 2014, Trung tâm Thủy sản tiếp tục mở rộng mô hình sang địa bàn huyện Phú Bình. Thông qua Hội Cựu chiến binh huyện, đã có 15 hộ hội viên ở các xã Tân Khánh, Điềm Thụy, Xuân Phương, Bảo Lý, Tân Thành, Tân Đức đăng ký tham gia với tổng diện tích chăn nuôi thủy sản là trên 20ha, trong đó gia đình cựu chiến binh Dương Văn Cam, xóm Hoàng Mai 2, xã Tân Khánh đã mạnh dạn đăng ký nuôi 6,1ha. Ông Dương Văn Cường, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh huyện Phú Bình cho hay: Các hộ hội viên rất hào hứng với chương trình cho vay vốn không lấy lãi bằng nguồn cá giống này. Tuy nhiên, mọi người mong muốn định mức cho vay có thể tăng lên 15 triệu đồng/hộ (tùy theo nhu cầu mỗi hộ) thay vì chỉ cho vay 4 triệu đồng/hộ như hiện nay. Hội sẽ đứng ra bảo lãnh cho hội viên nên phía Trung tâm yên tâm không lo bị thất thoát nguồn vốn vay.
Mong muốn của các hội viên Hội Cựu chiến binh Phú Bình đã được Trung tâm Thủy sản xem xét. Để mô hình nhanh chóng được triển khai, ngày 4-4, Trung tâm đã tiến hành tập huấn kỹ thuật chăn nuôi thủy sản cho các hộ tham gia, dự kiến 2 đến 3 tuần nữa sẽ bắt đầu nhận con giống về thả. Có thể thấy, mô hình khuyến ngư mới này ở Thái Nguyên đã có những thành công bước đầu. Thời gian tới, Trung tâm Thủy sản sẽ tiếp tục mở rộng mô hình này tới 7 xã sẽ về “đích” nông thôn mới trong năm nay là Tân Cương, Quyết Thắng, Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên); Tân Hương (Phổ Yên); Lương Phú, Đồng Liên (Phú Bình); Hùng Sơn (Đại Từ). Qua điều tra của Trung tâm, các xã trên có tới trên 160ha ao, hồ có thể chăn nuôi thủy sản. Do đó, nếu đầu tư, khai thác tốt, chăn nuôi thủy sản sẽ mang lại một nguồn thu khá lớn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân nơi đây…