T2, 06/07/2020 10:17

Thái Thụy (Thái Bình): Vươn ra biển lớn

Chưa có đánh giá về bài viết

Thái Thụy luôn xác định kinh tế biển là mũi nhọn, tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Huyện đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội vùng biển, khai thác tiềm năng, lợi thế từ biển nên đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực: nuôi trồng, chế biến, khai thác, vận tải, công nghiệp, dịch vụ, du lịch và bảo đảm an ninh quốc phòng tuyến biên giới ven biển.

Với lợi thế 27 km đường bờ biển, 3 cửa sông lớn, cảng biển Diêm Điền thông thương với các vùng kinh tế ở trong và ngoài nước, Thái Thụy luôn xác định kinh tế biển là mũi nhọn, tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Huyện đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư  xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội vùng biển, khai thác tiềm năng, lợi thế từ biển nên đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực: nuôi trồng, chế biến, khai thác, vận tải, công nghiệp, dịch vụ, du lịch và bảo đảm an ninh quốc phòng tuyến biên giới ven biển.

Khai thác hải sản – thế mạnh trong phát triển kinh tế biển của Thái Thụy.

Cảng cá Tân Sơn những ngày đầu tiên của năm 2013, trời mù sương, mưa lây rây, gió mùa Đông Bắc thổi lạnh đến tê người nhưng tàu thuyền cùng hàng trăm ngư dân vẫn tất bật chuẩn bị ngư lưới cụ cho những chuyến ra khơi, đánh dấu những bước khởi đầu đầy lạc quan đối với lĩnh vực khai thác của huyện biển. Chia sẻ với chúng tôi sau chuyến thị sát ngoài biển, ông Trần Xuân Nhuệ, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Toàn huyện hiện có 458 phương tiện khai thác thủy – hải sản với tổng công suất 32.976 CV, tăng gần 40 phương tiện so với năm 2006, trong đó 215 tàu tầm trung và xa bờ. Khai thác hải sản tạo công ăn việc làm và thu nhập cho gần 1.600 lao động, chưa kể hàng trăm lao động làm dịch vụ: sửa chữa tàu thuyền, thu mua cá, cung cấp xăng dầu, vó lưới, thực phẩm…

Năm 2012, tổng sản lượng khai thác toàn huyện đạt 32.683 tấn, giá trị thu nhập đạt 174 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2011. Đối với nuôi trồng thủy sản, Thái Thụy hiện có 2.410 ha, tăng 465,5 ha so với năm 2006. Trong năm qua, huyện đã hoàn thành việc cắm mốc phân định ranh giới tạm thời khu vực bãi triều các xã ven biển, tổ chức công khai quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết 6 tiểu vùng và tổ chức đấu giá thành công cho nhân dân thuê đất nuôi ngao tại xã Thụy Trường và tại xã Thái Đô. Đến nay, tổng diện tích nuôi ngao vùng bãi triều ven biển đạt 681 ha, mở ra hướng làm giàu mới cho người dân các xã ven biển.

Ngoài khai thác diện tích bãi triều, nhân dân tích cực cải tạo các ao, đầm trong và ngoài đê biển nuôi tôm kết hợp nuôi cua, cá vược, cá bớp, cá song, rô phi đơn tính, thả rau câu, ương ngao giống. Hầu hết các đối tượng nuôi trồng thủy sản của Thái Thụy trong năm 2012 đều được mùa, cho giá trị kinh tế cao. Trong đó, sản lượng ngao nuôi đạt 10.500 tấn cho giá trị 157,5 tỷ đồng, tăng 75% so với năm 2011; sản lượng thủy sản nước lợ: tôm, cua, cá, rau câu đạt 3.935 tấn cho giá trị 145,6 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2011. Khai thác, nuôi trồng tăng sản lượng đã tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho chế biến hải sản. Toàn huyện hiện có 8 doanh nghiệp, 100 cơ sở, 4 làng nghề chế biến hải sản giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 1.050 lao động với mức thu nhập bình quân từ 2,8 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Một số sản phẩm của địa phương đã đăng ký thương hiệu và chiếm lĩnh được thị phần khá lớn ở trong và ngoài tỉnh như: nước mắm Diêm Điền, nước mắm Thái Bình, cá mai khô, sứa đông lạnh.

Để thực sự làm giàu từ biển, những năm qua Thái Thụy đã hoàn thiện quy hoạch các cụm công nghiệp Mỹ Xuyên, Thái Thọ và triển khai lập quy hoạch cụm công nghiệp Thụy Tân; thu hút nhiều dự án lớn vào đầu tư sản xuất kinh doanh như: 2 doanh nghiệp đóng tàu là Công ty CP Đại Dương và Công ty Công nghiệp tàu thủy Diêm Điền, Trung tâm điện lực Thái Bình, Nhà máy sản xuất Amonnitrat…. 5 năm qua, tổng giá trị sản xuất từ ngành kinh tế biển và khu vực biển toàn huyện đạt 5.843,78 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 16,04%/năm, chiếm tỷ trọng 36% giá trị sản xuất chung toàn huyện. Hầu hết các xã ven biển đã xây dựng được trụ sở, trường học, trạm y tế khang trang, đạt chuẩn quốc gia, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp. Mức thu nhập bình quân của người dân 6 xã ven biển đạt 24,5 triệu đồng/người/năm, cao hơn 7,5 triệu đồng so với bình quân chung toàn huyện.

Tuy đã đạt được những thành công trong đầu tư phát triển kinh tế biển, nhưng ông Nhuệ cũng thẳng thắn thừa nhận: Hành trình vươn ra biển lớn của Thái Thụy mới chỉ ở điểm khởi đầu, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước. Vì vậy, mục tiêu của huyện trong phát triển kinh tế biển giai đoạn 2013-2015 sẽ ưu tiên cho lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, công nghiệp chế biến, đóng tàu, thương mại, dịch vụ, du lịch; giai đoạn 2015-2020 ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp nặng, công nghệ cao, cảng thương mại, du lịch và đô thị. Với tiềm năng kinh tế biển và vùng ven biển, cùng với sự năng động, sáng tạo, ý chí quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân toàn huyện, tin rằng trong tương lai không xa, kinh tế biển sẽ thực sự trở thành ngành mũi nhọn giúp Thái Thụy vươn ra biển lớn và trở thành huyện giàu mạnh về mọi mặt.

Hình Nguyễn

Báo Thái Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!