T2, 01/04/2024 11:17

Thai Union: Giảm phát thải carbon trong chuỗi cung ứng tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thai Union, một trong những hãng cung cấp tôm lớn nhất thế giới, đồng thời là “ông lớn” trong ngành chế biến thủy sản Thái Lan với hơn 44.000 nhân viên trên toàn cầu, vừa công bố chương trình giảm phát thải carbon trong chuỗi cung ứng tôm năm 2024 với mục tiêu chiến lược đến năm 2030.

Chương trình này nằm trong kế hoạch hành động chiến lược đến năm 2030 của Thai Union, với mong muốn tăng tính bền vững của các sản phẩm thủy sản trong chuỗi cung ứng và trở thành nhà tiên phong trong ngành thủy sản thông qua các biện pháp quản lý bảo vệ môi trường. Thai Union đặt mục tiêu cắt giảm tổng lượng khí thải nhà kính 42% vào năm 2030, theo tiêu chuẩn của SBTi.

Giảm phát thải carbon là “chìa khóa chiến lược” của Thai Union

Chương trình thử nghiệm đặt mục tiêu sản xuất 1.000 tấn tôm chế biến có mức ảnh hưởng môi trường thấp và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng. Food Lion và Hannaford là 2 thương hiệu của Ahold Delhaize USA, công ty sở hữu chuỗi bán lẻ thực phẩm lớn nhất tại Mỹ, đã đồng ý nhập tôm từ chuỗi cung ứng tôm thuộc chương trình của Thai Union. 

Sáng kiến giảm lượng carbon trong chuỗi cung ứng tôm được phát triển bởi Thai Union phối hợp cùng Tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu The Nature Conservancy (TNC) và Ahold Delhaize USA, đánh dấu một bước tiến quan trọng hướng tới một ngành NTTS lành mạnh và bền vững. 

Theo ông Adam Brennan, Giám đốc bộ phận Phát triển bền vững của Thai Union, “Chương trình với sự hợp tác cùng Tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu The Nature Conservancy (TNC)  cho phép chúng tôi trở thành nhà tiên phong trong việc xây dựng mô hình nuôi tôm có trách nhiệm với môi trường và đạt hiệu quả kinh tế cao. Chương trình trong năm 2024 này là một minh chứng cho những cam kết của chúng tôi trong việc giảm lượng khí thải carbon và đặt ra các tiêu chuẩn bền vững mới trong ngành thủy sản”. 

“Chương trình giảm lượng carbon trong chuỗi cung ứng tôm không chỉ dừng lại ở việc giảm lượng khí thải tại các trang trại nuôi tôm mà còn liên quan đến định hướng ngành nuôi tôm bền vững, hiệu quả và công bằng hơn trong tương lai. Bằng cách chứng minh rằng các thực hành bền vững có thể mang lại lợi ích kinh tế, chúng tôi hy vọng sẽ truyền cảm hứng và dẫn đầu cho toàn bộ ngành”, ông Adam Brennan nhấn mạnh.

Trọng tâm chính của chương trình là đầu tư vào các trang trại, tối ưu hóa thức ăn và hệ thống trang trại để tăng cường hiệu quả và năng suất, giảm phát thải nhà kính và tăng nguồn cung ứng các thành phần thức ăn bền vững. 

Sau khi chương trình thử nghiệm thành công, Thai Union có kế hoạch mở rộng mô hình này tại Thái Lan và một số quốc gia khác. Chương trình được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp cho các loại hình trang trại khác nhau và có thể kết hợp việc lắp đặt tấm năng lượng mặt trời tại các trang trại này. 

Tiêu chuẩn của SBTi là viết tắt của "Science Based Targets initiative". Đây là sáng kiến do một số tổ chức lớn bao gồm CDP, UN Global Compact, World Resources Institute (WRI), và World Wide Fund for Nature (WWF) khởi xướng. SBTi giúp các doanh nghiệp xác định và thiết lập các mục tiêu giảm khí thải có cơ sở khoa học để đóng góp vào việc đối phó với biến đổi khí hậu.

Phương Nhi

(Theo Aquaculturemagazine)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!