T2, 06/07/2020 09:58

Thảm kịch MV Derbyshire

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thuỷ sản Việt Nam) – Trong lịch sử hàng hải thế giới, rất nhiều con tàu biến mất một cách bí ẩn mà phải mất một thời gian rất lâu người ta mới tìm ra được nguyên nhân của nó. MV Derbyshire của Anh là một “ẩn số” như thế.

Câu hỏi và suy đoán

MV Derbyshire là một con tàu chở hàng khổng lồ, có tải trọng lên đến 169.000 tấn, dài 289 m, rộng 43,5 m và gấp ba lần chiếc Titanic huyền thoại. Theo thiết kế, MV Derbyshire là một con tàu “không thể chìm” và có khả năng chống chọi với mọi thời tiết khắc nghiệt nhất. Tuy nhiên, điều không thể đó vẫn xảy ra vào ngày 10/9/1980 cách đảo Okinawa, Nhật Bản 368 km khi đang trên đường chở 20.000 tấn quặng từ Canada tới Nhật Bản trong lúc có bão Orchid.

 

Một bức tranh tái hiện lại vụ chìm tàu MV Derbyshire

 

Khi sự cố xảy ra, nhiều nghi vấn được đặt ra xung quanh sự mất tích bí ẩn của con tàu này. Họ khó có thể tin rằng một con tàu như MV Derbyshire lại có thể xảy ra sự cố bởi nó chỉ mới được hạ thủy trước đó 4 năm, 42 thuyền viên trên tàu là dân đi biển bậc thầy, rất dày dạn kinh nghiệm, nó là một trong số những con tàu được đóng tại Swan Hunter, một hãng đóng tàu có uy tín nhất ở nước Anh và hơn thế nữa, MV Derbyshire là chiếc cuối cùng trong số 6 chiếc tàu chở hàng loại OBO (chở dầu mỏ, khoáng sản và hàng hóa rời), chắc chắn được kế thừa những ưu điểm tốt nhất của các chiếc tàu được đóng trước đó. Nó được Lloyds Register, Công ty xếp hạng tàu uy tín nhất ở Anh, xếp loại A1.

Và điều ngạc nhiên hơn về sự mất tích của con tàu đó là không có tín hiệu cấp cứu được phát đi khi bị chìm. Điều này rất lạ bởi MV Derbyshire được trang bị hệ thống báo động điện tử tiên tiến nhất. Chỉ có một thảm họa khủng khiếp và diễn ra quá nhanh mới ngăn cản được các thuyền trưởng, sĩ quan boong và các thuyền viên làm động tác hết sức đơn giản là nhấn nút “cấp cứu”.

 

20 năm sau mới tìm ra sự thật

Tai nạn xảy ra vào tháng 9/1980 nhưng mãi đến 1 giờ 23 phút ngày 3/6/1994, chuyên gia săn xác tàu chìm Mỹ David Mearns thuộc Công ty Oceaneering Technologiesmới tìm thấy các mảnh vụn của xác tàu MV Derbyshire ở độ sâu 4.210 m sau 8 ngày dò tìm vất vả theo hợp đồng thuê mướn của Liên đoàn Lao động Vận tải Quốc tế.

 

Bức ảnh mô tả lại con tàu MV Derbyshire của Fairfield Govan

 

Trước đó, do không có bằng chứng cho thấy tàu chìm do lỗi kết cấu, Chính phủ Anh đã từ chối mở cuộc điều tra chính thức. Người ta quay sang đổ lỗi do cơn bão quá mạnh, sóng quá to đánh úp chiếc MV Derbyshire. Nhưng điều này cũng không có bất kỳ căn cứ nào, người ta lại buộc lỗi cho con người, những người đi biển đã tắc trách, không “cần mẫn” để nước lọt vào hầm hàng… Điều này đã làm dấy lên một làn sóng phản đối từ người thân của những nạn nhân, sau đó lan rộng sang toàn bộ những người lao động trong ngành hàng hải.

Lỗi cấu trúc tàu chỉ bắt đầu được lưu ý khi 18 tháng sau vụ chìm tàu MV Derbyshire, chiếc MV Tyne Bridge (“anh” của MV Derbyshire) bị đứt gãy ở khung sườn thứ 65 rồi lan ra khắp boong tàu, buộc tàu đang đi giữa đường phải trở về ụ Derbyshire để sửa chữa. Năm 1986, thêm chiếc MV Kowloon Bridge, cùng loại với MV Derbyshire cũng gặp sự cố tương tự. Hội Gia đình thuyền viên Derbyshire (DFA) gây quỹ thuê công ty giám định khảo sát khung sườn thứ 65 ở các tàu cùng loại của Anh. Cuộc khảo sát dẫn đến một số cuộc điều tra sâu để đi đến kết luận rằng, khung sườn thứ 65 của tất cả các tàu đời Derbyshire đều có độ giòn không hợp chuẩn. Gặp sóng biển mạnh, nó dễ gãy làm sụp nắp hầm, nước tràn vào khiến tàu chìm rất nhanh. Đây là lỗi thiết kế kỹ thuật.

Phát hiện trên buộc Chính phủ Anh phải mở cuộc điều tra chính thức từ ngày 2/4/2000. Kết quả điều tra cho thấy tàu chìm do lỗi kết cấu tàu, các thuyền viên không có lỗi. Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) được khuyến nghị bổ sung những quy định mới về thiết kế kết cấu cho những con tàu dài trên 150 m.

>> MV Derbyshire là chiếc cuối cùng trong số 6 chiếc tàu chở hàng loại OBO (chở dầu mỏ, khoáng sản và hàng hóa rời) được đóng vào năm 1976 bởi hãng tàu Swan Hunter, được đăng ký tại Liverpool và thuộc quyền sỡ hữu của Bibby Line.

Hải Băng

               

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!