(TSVN) – Hỏi: Cá rô phi bơi lội không định hướng, ngứa ngáy, cá gầy yếu, trên thân có các sợi màu trắng bám vào. Hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục?
(Pham Duy Thanh, xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình)
Trả lời:
Với các dấu hiệu trên, có thể cá chép đã bị bệnh nấm thủy mi. Bệnh do một số loài nấm thuộc các giống: Achlya, Saprolegnia, Leptolegnia,… gây ra. Chúng có dạng hình sợi, thuộc nhóm nấm bậc thấp, cấu tạo sợi nấm đa bào nhưng không có các vách ngăn. Nấm sinh sản bằng nhiều hình thức khác nhau như: Sinh sản dinh dưỡng bào tử, sinh sản vô tính bằng túi bào tử kín,sinh sản hữu tính bằng tiếp hợp. Bào tử nấm có tiên mao, có thể vận động trong nước nên khả năng lây lan bệnh rất cao. Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa và thời tiết lạnh khi nhiệt độ xuống thấp. Cá bị bệnh ngứa ngáy, gầy và đen sạm đi. Trên da xuất hiện các vùng trắng xám, có các sợi nấm nhỏ mềm. Sau vài ngày nấm phát triển mạnh, các sợi nấm đan chéo thành từng búi trắng như bông có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Khi bệnh xảy ra cần có biện pháp sau: Tắm cho cá bằng hóa chất diệt nấm như dung dịch muối ăn, thuốc tím (KMnO4), Formaline,… Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Đưa thuốc trực tiếp xuống lồng bè, ao nuôi, cụ thể:
– Dùng Methylen với liều lượng 2 – 3 lít/1.000 m3 nước ao nuôi và lặp lại 2 lần trong 1 tuần.
– Iodine với liều lượng 1 lít/5.000 m3 nước ao nuôi hoặc xử lý bằng Vicato 1 kg/3.000 m3 nước ao.
– Dùng 500 – 700 g đồng sunfat/1.000 m3 tạt đều khắp mặt ao nuôi.
Ban KHKT