Thặng dư thương mại ngành nông nghiệp tăng mạnh

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản 8 tháng đầu năm tiếp tục có sự tăng trưởng tốt, trong khi giá trị nhập khẩu mặt hàng này chỉ tăng nhẹ nên thặng dư thương mại ngành nông nghiệp tiếp tục tăng cao.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong tháng 8/2024, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản đạt hơn 5,554 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40,018 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu mặt hàng nông lâm thủy sản trong tháng 8 giảm nên giá trị thặng dư ngành hàng này tăng mạnh.

Cụ thể, trong tháng 8/2024, giá trị nhập khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản ước đạt 3,569 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 8 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu mặt hàng này ước đạt 28,28 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Thặng dư thương mại tháng 8/2024 của ngành nông nghiệp đạt 1.985 triệu USD, tăng 77,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 8 tháng đầu năm, thặng dư thương mại nông lâm thủy sản đạt 11.802 triệu USD, tăng 68,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính tăng mạnh trong 8/2024 do nhu cầu tiêu thụ tăng tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, ASEAN,… Trong đó, xuất khẩu tiêu, cà phê và chè tăng mạnh nhất.

Về thị trường, Hoa Kỳ và Trung Quốc là 2 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản chủ lực của Việt Nam, chiếm lần lượt 21% và 20% tổng giá trị xuất khẩu trong 8/2024. Trong khi cơ cấu của thị trường Hoa Kỳ giữ nguyên, cơ cấu của thị trường Trung Quốc giảm 2 điểm phần trăm so với 8/2023.

Về tăng trưởng, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang các thị trường chính đều tăng trong 8/2024 so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tăng mạnh nhất là thị trường ASEAN với 71,8%, tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ với 23,5%. Các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và EU tăng lần lượt 11,3%, 10,2%, 4,6% và 3,0% so với cùng kỳ năm 2023.

Riêng về thủy sản, 8 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu mặt hàng này đạt 6,227 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo Bộ NN&PTNT, có 3 yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản thời gian qua. Thứ nhất, theo báo cáo cập nhật triển vọng ngành thủy sản của chứng khoán VietCap, tại thị trường Hoa Kỳ, mặc dù mức chi tiêu cho tiêu dùng dự kiến sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2024 nhưng những lo ngại về bất ổn hiện tại có thể sẽ khiến các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam gặp khó khăn trong việc đạt được tăng trưởng so với cùng kỳ về giá bán trung bình.

Tại thị trường Trung Quốc, người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu thận trọng có thể có lợi cho các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam, vì cá tra có giá trị kinh tế hơn so với các loài cá thịt trắng khác. Trong khi đó ngành tôm chịu áp lực cạnh tranh mạnh khi Ecuador, Ấn Độ và Indonesia tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc. Tại thị trường EU, theo Văn phòng SPS Việt Nam, EU đã đổi mới hệ thống quản lý an toàn thực phẩm và sức khỏe thực vật với sáng kiến “Quy định thông minh hơn”. Cụ thể, thay vì dựa trên tỷ lệ các thành phần có nguồn gốc động vật như trước đây, EU sẽ phân loại sản phẩm nhập khẩu dựa trên những rủi ro về sức khỏe cộng đồng và sức khỏe động vật. Do vậy, việc áp dụng các quy định mới của EU sẽ đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!