(TSVN) – Ngành thủy sản đang bứt tốc về đích với những kết quả ấn tượng. Nuôi trồng tiếp tục phát triển ổn định, hoạt động khai thác được phục hồi do thời tiết thuận lợi.
Cụ thể, theo báo cáo mới đây của Bộ NN&PTNT, sản lượng thủy sản nuôi trồng tháng 11 ước đạt 576,9 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cá đạt 382,5 nghìn tấn, tăng 3,9%; tôm đạt 130,7 nghìn tấn, tăng 7,7%. Tính chung 11 tháng năm 2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt gần 5,2 triệu tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, cá đạt gần 3,4 triệu tấn, tăng 3,8%; tôm đạt 1,2 triệu tấn, tăng 5,3%.
Một số mặt hàng thủy sản tươi sống được bày bán tại siêu thị. Ảnh: Thùy Khánh
Đối với một số đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, sản lượng cá tra tháng 11 ước đạt 185,6 nghìn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, sản lượng cá tra ước đạt 1.625,8 nghìn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Sản lượng tôm sú tháng 11 ước đạt 26,1 nghìn tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng tôm thẻ chân trắng tháng 11 ước đạt 96,0 nghìn tấn, tăng 8,4%. Tính chung 11 tháng, sản lượng tôm sú ước đạt đạt 260,9 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, tôm thẻ chân trắng đạt 894,9 nghìn tấn tăng 6,1%.
Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng ước tính đạt 287,9 nghìn tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, cá đạt 216,1 nghìn tấn, tăng 0,8%; tôm đạt 13,3 nghìn tấn bằng cùng kỳ năm trước.
Trong tháng vừa qua, thời tiết thuận lợi cùng với giá xăng dầu giảm so với cùng kỳ năm trước đã tạo thuận lợi cho các ngư dân vươn khơi, bám biển sau hai tháng khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 và bị ảnh hưởng liên tục bởi áp thấp nhiệt đới trên biển các tỉnh Bắc Trung Bộ. Sản lượng thủy sản khai thác biển trong tháng ước đạt 266,9 nghìn tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 11 tháng năm 2024, sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt gần 3,4 triệu tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tháng 11, giá cá tra, tôm thẻ chân trắng tăng ở một số tỉnh do sức mua tăng. Cụ thể, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tháng 11 bình quân ở mức 28.587 đồng/kg, hầu hết giá cá tra ở các tỉnh đều tăng so với tháng trước.
Tại Vĩnh Long, giá thu mua cá tra 29.000 đồng/kg (tăng 455 đồng/kg), An Giang: 29.196 đồng/kg (tăng 744 đồng/kg), Đồng Tháp: 27.500 đồng/kg (tăng 400 đồng/kg); Tiền Giang: 28.650 đồng/kg (tăng 445 đồng/kg) đối với loại cá cỡ từ 800 gram – 1,1 kg/con.
Giá tôm thẻ bình quân tháng 11 ở mức 103.000 đồng/kg, đối với loại cỡ 50 – 60 con/kg, giá tăng so với tháng trước từ 5.000 – 8.750 đồng/kg; cụ thể tại Bạc Liêu, tôm thẻ cỡ 50 con/kg giá thu mua ở mức 130.000 đồng/kg, loại cỡ 60 con/kg, giá thu mua 120.000 đồng/kg. Đối với loại tôm ướp đá cỡ 100 con/kg, giá thu mua giảm so với tháng trước, ghi nhận giá tại Kiên Giang đối với loại tôm này ở mức 77.000 đồng/kg (giảm 3.714 đồng/kg).
Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu thủy sản trong 11 tháng đã đạt 9,2 tỷ USD, tăng 11,8%. Giá trị nhập khẩu thủy sản tháng 11 năm 2024 ước đạt 230 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu thủy sản 11 tháng đầu năm 2024 đạt 2,32 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, nguồn nhập khẩu thủy sản của Việt Nam chủ yếu từ các thị trường Indonesia (chiếm tỷ trọng 12%), Na Uy (11,8%), và Trung Quốc (10,3%). So với cùng kỳ năm 2023, giá trị nhập khẩu thủy sản của Việt Nam từ 3 thị trường trên đều tăng, mức tăng lần lượt là 52,2%, 9,5% và 22,2%.
Cán cân thương mại ngành nông lâm thủy sản Việt Nam 11 tháng đầu năm 2024 ước đạt thặng dư 16,46 tỷ USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo nhóm hàng, thủy sản là 1 trong 3 nhóm hàng có cán cân thương mại 11 tháng đầu năm ở trạng thái thặng dư. Trong đó, nhóm thủy sản thặng dư 6,88 tỷ USD, tăng 17,5%.
Xét theo mặt hàng cụ thể, ước tính 11 tháng đầu năm 2024, Việt Nam có 7 mặt hàng NLTS có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD, trong đó, tôm thặng dư 3,19 tỷ USD, tăng 20,5%; cá tra thặng dư 1,72 tỷ USD, tăng 10,1%.
Thùy Khánh