Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã ra phán quyết Mỹ xâm phạm Luật Thương mại toàn cầu khi tính toán thuế chống bán phá giá với mặt hàng tôm đông lạnh NK từ VN – được xem là thắng lợi bước đầu của các DN XK tôm sau những nỗ lực đòi lại công lý.
Sau kết quả cuối cùng đợt rà soát hành chính lần thứ 5 thuế chống bán phá giá mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh NK từ VN, ngày 31.8, Bộ Thương mại Mỹ (USDOC) đã thông báo kết quả cuối cùng đợt rà soát (được tiến hành từ ngày 1.2.2009 đến 31.1.2010.
Theo đó, mức thuế chống bán phá giá (CBPG) được áp đặt cho các bị đơn được chọn tuy giảm so với mức thuế CBPG trong kết quả sơ bộ được DOC công bố ngày 28.2.2011, nhưng với các DN vẫn không hợp lý. Ba bị đơn bắt buộc có mức thuế suất lần lượt là: Camimex được giảm từ 1,36% xuống 0,83%; Minh Phu Seafood Group được giảm từ 1,67% xuống 1,15%; Nha Trang Seaproduct Company giữ nguyên ở mức thuế tối thiểu, 29 công ty khác thuộc đối tượng hưởng mức thuế suất riêng rẽ (là mức thuế suất bình quân gia quyền của 3 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc) được giảm thuế từ 1,52% xuống còn 1,04%. Mức thuế suất toàn quốc cho các công ty còn lại trên cả nước vẫn giữ nguyên là 25,76%.
Căn cứ để DNVN khởi kiện Chính phủ Mỹ ra WTO là quy định phương pháp zeroing (quy biên độ phá giá về 0) cùng với phương pháp xác định biên độ phá giá cho các đơn vị tự nguyện và quy tắc “thuế suất toàn quốc” mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã sử dụng trong quá trình rà soát lại thuế chống bán phá giá tôm VN.
Phán quyết của WTO khẳng định, Mỹ đã thực hiện trái với quy định của WTO khi áp dụng phương pháp quy về 0 để tính biên độ phá giá trong các đợt rà soát lần 2 và 3 và việc Mỹ áp đặt thuế suất toàn quốc đã khiến mức thuế bị đội lên rất cao gây thiệt hại cho các DN xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Phản ánh về cách tính bất hợp lý này, đại diện Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản VN (VASEP) cho rằng, trong khi sử dụng phương pháp tính zeroing như một thông lệ thường xuyên trong nhiều vụ kiện chống phá giá, thì DOC chỉ tính các biên độ có giá trị dương (> 0), còn các giá trị âm sẽ tự động chuyển về 0. Như vậy, biên độ phá giá được tính toán cao hơn, mức thuế cũng bị đội lên.
Theo bà Nguyễn Chi Mai – Trưởng ban Phòng vệ thương mại (Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương) – với tư cách là một bên tham vấn của các DN XK trong suốt quá trình bị khởi kiện, điều tra và áp thuế, một thực tế hiển nhiên là các DN VN đã bị tổn hại quá nhiều. Qua 7 năm bị áp thuế chống bán phá giá, XK tôm của VN sang thị trường Mỹ kể từ năm 2003 vẫn chỉ dừng ở mức kim ngạch 500 triệu USD, mà lẽ ra phải hơn thế nhiều. Không những thế DN phải đầu tư tiền bạc, công sức theo đuổi vụ kiện.
“Về bản chất, các biện pháp áp dụng thuế chống bán phá giá của Mỹ được nhìn nhận là một biện pháp bảo hộ của chính phủ đối với các DN nội địa. Tuy nhiên, giải pháp này khá tốn kém nên chỉ những chính phủ am hiểu Luật WTO như Mỹ mới vận dụng để bảo hộ DN trong nước. Nhìn ở khía cạnh khác, bà Chi Mai cho rằng, cũng có mặt tích cực với các DN VN trong việc cọ xát với các vụ kiện tương tự. Thực tế cũng cho thấy, các DN vẫn trụ vững trong sóng gió và có niềm tin để theo đuổi vụ kiện đến cùng.
Theo bà Chi Mai, khi Việt Nam thắng kiện, các DN XK tôm VN sẽ được hưởng mức thuế rà soát lần 2 (POR 2) bằng 0, thay cho mức thuế hiện nay từ 4,13 đến 25,75% tùy đơn hàng. Các DN VN có thể được thoát hoàn toàn khỏi thuế chống bán phá giá do ba lần rà soát liên tục có kết quả 0%. Tuy nhiên, việc Mỹ hạn chế số lượng các công ty được điều tra riêng lẻ là không trái với quy định của WTO và việc tiếp tục sử dụng những biện pháp đang bị khiếu kiện, ám chỉ các đợt rà soát lần 4 – 5 và rà soát cuối kỳ, không nằm trong phạm vi thảo luận của Ban hội thẩm. Đây là một điểm không có lợi cho Việt Nam, vì như vậy sẽ khó thay đổi được kết quả rà soát lần 4-5 và đợt rà soát cuối kỳ.
Hồng Quân
Theo Lao Động