(Tạp chí Thủy sản Việt Nam) – Giống thuỷ sản luôn được coi là một trong những yếu tố then chốt quyết định đến năng suất và chất lượng sản phẩm thuỷ sản, cũng như tính bền vững của quá trình nuôi trồng. Kiểm soát chất lượng giống thuỷ sản đang được đặt ra bức thiết, các nhà quản lý trăn trở, các nhà khoa học luôn quan tâm và là mong muốn của người nông dân. Xung quanh vấn đề này, tại Hội thảo “Sản xuất và kinh doanh giống thuỷ sản”, đã có nhiều ý kiến được đưa ra.
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu (Thứ trưởng Bộ NN&PTNT)
Vẫn là nhất giống
Nông dân, ngư dân nước ta có bao nhiêu người thoát nghèo, giàu có từ sản xuất nông nghiệp, thủy sản? Thật khó khi họ không phải là người sản xuất lớn, doanh nghiệp kinh doanh tổng hợp từ thức ăn, con giống đến chế biến xuất khẩu. Nếu các nhà doanh nghiệp chủ động được toàn bộ chuỗi sản xuất sẽ mang lại lợi nhuận cao. Nhưng, người nông dân không làm được điều đó thì họ phải… bị động. Con giống ra sao, chất lượng thức ăn, giá cả, họ không thể định đoạt và hiệu quả họ đạt được tùy thuộc vào chính lương tâm và trách nhiệm của nhà sản xuất giống. Làm thế nào để tạo ra chuỗi liên kết dọc, chia sẻ rủi ro cho người sản xuất nhỏ lẻ để mọi người cùng chiến thắng trong một nền tảng phát triển bền vững là điều cần bàn. Chính vì vậy, chất lượng con giống cần đặt lên hàng đầu, bởi chỉ có con giống chất lượng mới đem lại năng suất, hiệu quả cho người nuôi, mới tạo ra sự phát triển bền vững và lâu dài.
Ông Dương Tiến Thể (Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản)
Chất lượng con giống chưa đồng đều
Hoạt động sản xuất kinh doanh giống thủy sản những năm gần đây đang chuyển dịch theo chiều hướng tốt. Số lượng cơ sở sản xuất giống giảm đi nhưng quy mô cơ sở lớn hơn, vùng sản xuất giống có xu hướng tiệm cận với vùng nuôi. Năm 2010, sản xuất giống cá tra được khoảng 1,8 tỷ con, tôm sú 25 tỷ, tôm he chân trắng 20 tỷ con. So với các năm trước, sản xuất giống nhuyễn thể đang phát triển nhanh, nhất là sản xuất giống ngao ở phía Bắc, đáp ứng được phần lớn nhu cầu nuôi. Tuy nhiên, chất lượng con giống chưa đồng đều. Nguyên nhân là do một số bất cập trong quản lý như phí kiểm dịch quá cao, cơ quan kiểm dịch ở một số địa phương chưa ổn định nên nhiều cơ sở sản xuất giống không công khai; hoặc do con giống được sinh sản nhân tạo và điều kiện ương dưỡng giống không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật… Về chất lượng các loại giống nhuyễn thể đều chưa được kiểm soát, gần như thả nổi và không được cơ quan chức năng các địa phương quan tâm.
Ông Chen Ming Hsien (Giám đốc Công ty Giống Thủy sản TNHH Uni – President Việt Nam)
Cần sự phối hợp liên ngành
Từ khi thành lập công ty giống năm 2008 đến nay, Uni – President đã cung cấp ra thị trường mỗi năm khoảng 9% sản lượng tôm giống trên toàn quốc, nguồn tôm bố mẹ chất lượng cao SPF được nhập từ Hawaii, Mỹ. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi tuyệt đối không sử dụng kháng sinh và các hóa chất cấm sử dụng. Uni – President cũng du nhập các công nghệ và kỹ thuật mới về sản xuất giống trên thế giới. Bên cạnh đó, để thuận tiện trong việc sản xuất và kinh doanh giống thủy sản, các cơ quan chức năng cần: Tăng cường quản lý chất lượng con giống, giảm thiểu việc đưa những loại giống không rõ nguồn gốc, chất lượng kém vào thị trường, làm gia tăng rủi ro trong quá trình nuôi, bùng phát dịch bệnh… Các cơ quan quản lý đưa ra các tiêu chuẩn quản lý cụ thể, các tiêu chí phù hợp với quy chuẩn quốc tế, phân biệt rõ về chất lượng của giống để bà con nông dân thuận tiện trong việc lựa chọn; Quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, để thuận tiện trong việc quản lý môi trường, kiểm tra… từ đó xây dựng và quảng bá thương hiệu; Đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra và nhập khẩu nguồn nguyên liệu, nhập khẩu tôm bố mẹ.
Ông Trần Cao Mưu (Tổng Thư ký HNC Việt Nam )
Tăng quyền lực cho cơ quan quản lý địa phương
Để kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống phải phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý theo hướng tăng cường quyền lực cho cơ quan quản lý địa phương. Nhằm giảm thiểu những rủi ro do không kiểm soát chặt chẽ sự phát triển ồ ạt, tự phát không được quy hoạch ngay từ đầu hoặc quy hoạch bị phá vỡ do quản lý lỏng lẻo… Xây dựng tràn lan các cơ sở sản xuất giống, giống bố mẹ không được tuyển chọn, du nhập thiếu kiểm tra, giám sát, nhập giống, lưu hành buôn bán giống không được giám sát chất lượng một cách nghiêm ngặt…
Ông Phạm Văn Đức – Chủ tịch Hội Nghề cá Cà Mau
Điều chỉnh tiêu chuẩn ngành cho phù hợp với điều kiện mới
Bởi theo ý kiến của ông Đức, tiêu chuẩn ngành về tôm giống ra đời rất xa xưa, nay công nghệ đã phát triển nhiều, nhất là có quy trình sản xuất được giống sạch bệnh và ta có điều kiện phổ cập, như vậy cần xem xét điều chỉnh tiêu chuẩn ngành cho phù hợp với điều kiện mới, nên có lộ trình để bắt buộc tôm giống đưa ra thị trường phải sạch bệnh. Đồng thời, cần xem lại các quy định về xử phạt tôm giống có bệnh đủ mạnh hay chưa, quy trình thủ tục hợp lý không. Vì trên thực tế, thì chất lượng tôm giống tồi như vậy nhưng các cơ quan chức năng ở Cà Mau chưa phạt được bao nhiêu và chưa huỷ bỏ được một trường hợp nào.
Ông Dương Văn Hùng (Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Dương Hùng)
Giống tốt, chất lượng sản phẩm sẽ cao
Với mục tiêu “tất cả vì người nuôi tôm”, sản phẩm giá cao nhưng chất lượng cũng cao, cho nên chúng tôi không ngại đầu tư để đạt mục tiêu này. Chúng tôi đã tổ chức chương trình hỗ trợ về giống và hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nghèo tại huyện Đông Hải (Bạc Liêu). Chương trình được triển khai từ tháng 10/2010, các hộ sẽ được chúng tôi cấp 100% số lượng con giống, được cung cấp thức ăn và mượn các dụng cụ chuyên dùng phục vụ suốt vụ nuôi và có kỹ thuật viên liên tục bám sát cơ sở. Đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ người nghèo vay vốn để có điều kiện nuôi tôm. Bộ NN&PTNT; Tổng cục Thủy sản cần có quy định cụ thể đối với tôm sú post khi xuất ra thị trường phải đảm bảo 15 ngày tuổi, đối với tôm thẻ là 12 ngày tuổi; Đề xuất với lãnh đạo Bộ, Nhà nước có những chính sách cho con tôm Việt Nam có thương hiệu mạnh, nổi tiếng ở trên thế giới.
Vũ Mưa