T2, 06/07/2020 09:52

Thành công của ngành thủy sản việt nam: “Nhờ không chạy theo phát triển về số lượng và điều tiết được giá xuất khẩu”

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Đó là ghi nhận và chia sẻ của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám (ảnh) trong những thành công của ngành thủy sản Việt Nam sau 6 tháng đầu năm 2011 và những thách thức mà ngành sẽ phải đối diện trong nửa cuối chặng đường năm nay.

PV: 6 tháng đầu năm 2011 đã đi qua, đánh giá chung của Thứ trưởng về  toàn ngành trong nửa năm qua?

Thứ trưởng Vũ Văn Tám: Nửa đầu năm nay là giai đoạn mà ngành thủy sản gặp rất nhiều khó khăn cả trong nuôi trồng và khai thác. Dịch bệnh trên tôm, nghêu ở ĐBSCL, giá cả nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Tuy nhiên, do sự năng động sáng tạo của bà con nông, ngư dân, doanh nghiệp và sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành vượt qua khó khăn thách thức, thủy sản đã có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, do ngành thủy sản hướng đến xuất khẩu nên 6 tháng đầu năm, chúng ta đã đấu tranh thắng lợi để tháo gỡ được những khó khăn của thị trường nhập khẩu như: Tiếp theo việc đấu tranh kịp thời và có hiệu quả với WWF tại 6 nước châu Âu buộc họ phải chấp nhận rút cá tra ra khỏi danh sách đỏ là vụ Đài Truyền hình Đức và một số phương tiện thông tin ở một số nước châu Âu bôi nhọ hình ảnh cá tra Việt Nam, và gần đây là ta đã thắng lợi trong vụ kiện Mỹ về tôm ở WTO…

Nhìn vào con số thống kê 6 tháng đầu năm cho thấy, ngành thủy sản đã đạt được sự tăng trưởng đáng kể, theo Thứ trưởng, yếu tố tạo nên sự tăng trưởng này là gì?

 

Có rất nhiều yếu tố tạo nên sự thành công của ngành thủy sản như hiện nay. Trước tiên, phải nói đến là sự năng động, sáng tạo, ý chí vươn lên của nông, ngư dân và doanh nghiệp. Trong điều kiện khó khăn như vừa qua, ngư dân vẫn quyết tâm vươn khơi bám biển, khai thác hiệu quả. Trong nuôi trồng, mặc dù dịch bệnh xảy ra nghiêm trọng trong một thời gian dài và trên diện rộng, nhưng người nuôi đã "gồng" mình để vượt khó nhờ vậy mà sản lượng nuôi trồng không hề giảm. Đặc biệt phải nói đến là sự chủ động phối hợp tốt giữa cơ quan quản lý nhà nước, Hội Nghề cá Việt Nam và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, giải quyết tốt vấn đề khó khăn trong chuỗi sản phẩm, nhằm tăng cường quản lý chất lượng. Riêng đối với cá tra, đó là tư tưởng chỉ đạo của chúng ta ngay từ đầu năm là kiên quyết không chạy đua theo số lượng, và nhờ chúng ta đã bước đầu điều tiết được giá xuất khẩu theo hướng tăng lên so cùng kỳ năm trước.

Thiếu nguyên liệu vẫn là chủ đề “nóng” của ngành trong thời gian qua, điều này liệu có lặp lại trong 6 tháng cuối năm không, thưa Thứ trưởng?

 

Nói chung chuyện thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến vẫn diễn ra hàng năm chứ không phải riêng năm nay. Nguyên nhân là do các nhà máy chế biến xuất khẩu hiện nay phát triển ồ ạt, công suất vượt quá sản lượng sản xuất, chưa có sự gắn kết giữa nhà máy với sản xuất nguyên liệu ngay từ đầu, có nhà máy xây dựng xong mới tìm nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, sự thiếu hụt này cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa tự tổ chức sản xuất nguyên liệu hoặc chưa có phương án, chính sách tốt về phát triển nguồn nguyên liệu phải nhìn lại mình, không thể chỉ biết kêu ca, đối xử bất bình đẳng về lợi ích và rủi ro với người sản xuất nguyên liệu, mà không biết hành động để thay đổi tình hình.

 Thiếu nguyên liệu là khó khăn lớn mà doanh nghiệp phải đối diện trong thời gian tới 

Theo Thứ trưởng, ngoài vấn đề nguyên liệu, khó khăn lớn nhất mà ngành thủy sản phải đối diện trong thời gian tới là gì?

 

Trong thời gian tới, ngành thủy sản sẽ vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn. Và có thể nói, khó khăn lớn nhất là phòng chống và xử lý dịch bệnh. Vì hiện nay nói đến thủy sản thì phòng chống dịch bệnh nổi lên nhiều vấn đề như quy hoạch thủy lợi chưa được đầu tư thỏa đáng, dùng thủy lợi cho quy hoạch lúa sử dụng cho tôm là hoàn toàn không ổn…

Thứ hai là về thị trường với các rào cản thương mại. Những sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của ta luôn phải đối diện với sự cạnh tranh cao, kể cả cạnh tranh không lành mạnh. Điều này một phần là do công tác truyền thông của ta ở các thị trường nhập khẩu còn yếu, truyền thông và xúc tiến thương mại của chúng ta chưa tiếp cận trực tiếp được người tiêu dùng. Hơn nữa, sản phẩm xuất khẩu của ta chủ yếu là xuất khẩu thô và xuất khẩu đến các nhà nhập khẩu chứ chưa trực tiếp đến hệ thống phân phối và người tiêu dùng. Do vậy, giá xuất khẩu rất khó cải thiện, người tiêu dùng có rất ít thông tin về sản phẩm thủy sản của chúng ta, nên thủy sản Việt Nam xuất khẩu đứng top 5 của thế giới nhưng dường như vẫn không có thương hiệu. Vì vậy, chiến lược xuất khẩu thủy sản của chúng ta tới đây phải thay đổi theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp cho nhà phân phối với sản phẩm có giá trị gia tăng ngày càng cao, có thương hiệu uy tín.

Thứ ba là tăng cường quản lý chất lượng và tổ chức sản xuất theo chuỗi sản phẩm. Đảm bảo quản lý chất lượng (yếu tố đầu vào là con giống, thức ăn và các chế phẩm xử lý môi trường…), quá trình nuôi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; chống đánh bắt bất hợp pháp trong khai thác… Đồng thời làm tốt khâu bảo quản sau thu hoạch.  

Và con số trên 5 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu đề ra cho năm 2011, ngành thủy sản có thể “cán đích” sớm được không, thưa Thứ trưởng?

 

Điều này còn tùy thuộc vào tình hình 6 tháng cuối năm tính trên cả yếu tố thị trường và vấn đề tổ chức sản xuất của chúng ta, kể cả những thuận lợi và những bất lợi có thể có. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn yên tâm và tin tưởng là chỉ tiêu này sẽ đạt và vượt trong sự nỗ lực toàn ngành, khắc phục những khó khăn vướng mắc tồn tại.  

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Thu Hồng

 

(thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!