Dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng vụ nào mô hình nuôi tôm của ông Nguyễn Văn Hóa, ấp 15, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu cũng đem lại thành công.
Người ham học hỏi
Gia đình ông Hóa có 2,5 ha mặt nước ao nuôi tôm, hàng năm, sau khi trừ chi phí gia đình ông lãi trung bình 750 triệu – 1 tỷ đồng. Hiện, khu ao của ông tôm đã thả nuôi được 4 tháng, đang phát triển rất tốt.
Với 2,5 ha mặt nước nuôi tôm, gia đình ông Hóa thu lãi từ 750 triệu đến 1 tỷ đồng – Ảnh: Trần Út
Trò chuyện với ông, chúng tôi được biết ông đã gắn bó với tôm sú từ năm 2001. Ông luôn tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, tham quan nhiều hộ nuôi có hiệu quả tại một số địa phương khác ở trong và ngoài tỉnh, tìm hiểu các thông tin qua báo, đài, tham gia các lớp tập huấn, hội thảo kỹ thuật do các ngành chức năng tổ chức…, từ đó vận dụng vào việc sản xuất của gia đình mình.
Làm khoa học và bài bản
Khâu cải tạo ao trước đây bón vôi CaCO3, 2 năm nay ông bón vôi đá lượng dùng 6 kg/100m2, lấy nước vào ao lắng sau đó bơm sang ao nuôi qua hệ thống ống lọc may bằng vải mustsilin để ngăn chặn giáp xác và các ấu trùng cua, cá, tôm, tép tạp, để ổn định khoảng 10 đến 15 ngày hoặc để càng lâu càng tốt, không diệt giáp xác mà ông chỉ diệt khuẩn bằng 1 trong các loại thuốc sau đây: A9 hặc N92 (gốc Iod), liều dùng 250ml/1.000m3. Sau 3 – 5 ngày khử phèn, khử kim loại nặng và các độc tố trong ao bằng sản phẩm E.T.S (có thành phần EDTA chiếm 75%), ngày hôm sau ổn định môi trường nước, gây màu tảo bằng vôi Dolomite 10kg/1.000m3 nước sử dụng liên tục trong 2 – 3 ngày, sau đó kiểm tra pH, độ mặn, độ kiềm, màu nước nếu chưa phù hợp tiếp tục dùng Dolomite cho đến khi kiểm tra thấy đạt yêu cầu thì tiến hành cấy men vi sinh, sản phẩm thường dùng là BZT, lượng dùng ½ gói (55 gam)/ao 3.000m2, ngày hôm sau thả giống.
Đối với tôm giống được lựa chọn bằng cảm quan hoặc sốc formol 250 ppm, nếu đạt yêu cầu mới lấy mẫu đi xét nghiệm và phải đạt âm tính với các chỉ tiêu mới tiến hành đưa về thả, hàng năm ông thả đồng loạt các ao với mật độ 15 – 20 con/m2, cỡ giống thả từ Pl 13 – Pl 15. Riêng hai năm nay do tình hình dịch bệnh phức tạp nên ông thực hiện ương nuôi từ 2 – 2,5 tháng, sau đó mới san thưa sang các ao nuôi khác, mật độ ương từ 35 – 40 con/m2.
Cho tôm ăn thức ăn công nghiệp sau khi thả giống 1 ngày, lượng cho ăn 1,5kg/100.000 con tôm Post, 5 ngày đầu cho ăn 2 lần/ngày, cứ sau 2 ngày tăng 100 gam, 25 ngày tiếp theo cho ăn 3 lần/ngày, từ ngày 30 tới thu hoạch cho ăn 4 lần/ngày theo lịch đã định sáng, trưa, chiều, tối, việc thay đổi cỡ mồi thức ăn phụ thuộc vào khả năng sử dụng thức ăn và sức lớn của tôm. Từ ngày nuôi thứ 20 đến khi thu hoạch, trong các lần cho ăn trộn bổ sung thêm các chất sau đây:
– Tỏi xay nhuyễn 1kg + 1 lít EM gốc ủ với 8 – 10 lít nước trong vòng 24 giờ, với lượng này sẽ được phối trộn với 150kg thức ăn và chỉ cho ăn lần tối.
– Cây chó đẻ (diệp hạ châu), dùng 1 kg được nấu trong 8 – 10 lít nước, sắc đặc còn 3 – 5 lít sử dụng nước này trộn vào thức ăn cho tôm ăn 2 lần sáng và chiều, lần ăn trưa chỉ trộn Vitamin C 5 gram/kg thức ăn.
Hàng ngày vào buổi sáng và chiều kiểm tra các yếu tố môi trường pH, NH3, H2S, một tuần kiểm tra độ kiềm 1 lần. Kịp thời xử lý các hiện tượng khác thường trong ao, điều chỉnh các yếu tố môi trường luôn luôn nằm trong ngưỡng thích hợp cho tôm phát triển. Đối với khu ao nuôi của gia đình, ông thường ít dùng vôi trong quá trình nuôi, chỉ sử dụng trong trường hợp màu nước không ổn định hoặc sau khi trời mưa.
Trong quá trình nuôi không sử dụng hóa chất để diệt khuẩn, các loại kháng sinh để phòng ngừa hoặc các loại hormone để kích thích tôm tăng trưởng. Tùy vào tình hình thực tế chất lượng nguồn nước từng ao nuôi để có kế hoạch sử dụng men vi sinh phù hợp, thông thường từ 10 – 15 ngày sử dụng 1 lần.
>> Ông Huỳnh Quốc Khởi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bạc Liêu nhận định: Đây là một trong nhiều cách làm mà người nuôi tôm tự tìm tòi học hỏi áp dụng vào sản xuất và cơ bản có hiệu quả. Mô hình nuôi tôm của gia đình ông hóa rất đáng để tham khảo. |