Thành công nhờ kiên trì học hỏi

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong lúc nhiều người nuôi tôm lao đao vì dịch bệnh triền miên, thiếu vốn… thì ông Phạm Văn Chu (ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) thành công với mô hình nuôi tôm theo công nghệ sinh học.

Dám nghĩ dám làm

Khi chúng tôi đến, ông Chu đang thu hoạch 2 ao tôm kích cỡ lớn. Ông Chu quê Thanh Miện, Hải Dương; gia đình sống bằng nghề nông. Dành dụm được số vốn nho nhỏ, nghe tin vùng ven biển ĐBSCL – nhất là Bạc Liêu – nhiều hộ nuôi tôm thành công, năm 2002 ông cùng gia đình khăn gói vào Bạc Liêu, theo nghề mới.

Chân ướt chân ráo bước vào nghề, chưa hiểu hết kỹ thuật, tập tính con tôm nên năm đầu tiên ông bị thất bại. Rút kinh nghiệm và nhờ học kiến thức của những người nuôi tôm thành công ở các vụ tôm trước nên vụ nuôi thứ hai ông đã có lãi chút ít, dần dần các vụ tôm năm sau lãi hơn năm trước; riêng vụ tôm năm 2008 ông Chu cũng như những người nuôi tôm ở ĐBSCL trúng tôm lại bị lỗ vốn, do tình hình chung tôm rớt giá liên tục, có lúc tôm 30 con/kg chỉ còn dưới 100 đồng/kg, trúng mùa lại mất giá khiến gia đình ông Chu cũng như nhiều người khác ở đây chưa có lợi nhuận

Dám nghĩ dám làm, ông Phạm Văn Chu là gương sáng nuôi tôm theo VietGAP ở Bạc Liêu

 

Bước đầu thành công

Năm 2009 – 2010, gia đình ông trúng vụ liên tục. Có thêm vốn, ông mua thêm đất làm tiếp. Cuối năm 2011, diện tích nuôi tôm của gia đình ông tăng lên 6 ha (chia làm 12 ao). Đầu năm 2012, do sức khỏe yếu nên ông nhường cho người thân 3 ha. Với 3 ha còn lại, ông chia làm 6 ao nuôi tôm, mật độ thả 20 con/m2. Hơn 5 tháng nuôi, 27 – 28 con/m2, tổng thu 7 tấn tôm, thời điểm này giá tôm rớt còn 100 – 110 đồng/kg, trừ chi phí vẫn lãi khoảng 300 triệu đồng.

Có thành công này là do ông nuôi theo quy trình sinh học, không lạm dụng hóa chất, kháng sinh. Nuôi thành công nhiều vụ liền, ông được Sở NN&PTNT Bạc Liêu chọn làm thí điểm mô hình nuôi theo VietGAP để người nuôi tôm trong vùng cùng trao đổi kinh nghiệm.

 Được hỏi, quá trình nuôi tôm gặp khó khăn gì, ông Chu cho biết, ông được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho làm ăn, cộng với sự gắn bó tình làng nghĩa xóm nên việc làm ăn của ông nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn: Thị trường thuốc thú y thủy sản đang bị lũng đoạn do các công ty làm ăn gian dối, bán hàng giả, khiến người nuôi tôm tiếp tục lao đao, đối mặt dịch bệnh chưa tìm được nguyên nhân, chưa rõ cách khắc phục; nay lại gặp những kẻ làm ăn gian dối, bán thuốc, vật tư kém chất lượng…, khiến nhiều người nuôi tôm hoang mang, không dám đầu tư tiếp. Ông hy vọng các ngành chức năng quản lý chặt, xử lý nghiêm các công ty gian dối, để không còn hàng kém chất lượng trên thị trường; đồng thời nhanh chóng tìm ra nguyên nhân gây bệnh, để người nuôi tôm yên tâm với nghề.

Trần Thanh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!