Thanh Hóa: Bảo vệ thủy sản nuôi mùa nóng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Những ngày qua, nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao nhất phổ biến từ 37 – 40oC, có nơi từ 40 – 42oC ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động, sinh trưởng của thủy sản. Để bảo vệ thủy sản nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đang khuyến cáo người nuôi thực hiện các giải pháp bảo vệ thủy sản nuôi.

Theo Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, tính đến ngày 22/5, toàn tỉnh đã thả nuôi được 4.050 ha thủy sản nước lợ, 13.900 ha nước ngọt, 1.000 ha nước mặn. Để bảo vệ các đối tượng thủy sản nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của thời tiết nắng nóng, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với các địa phương kiểm tra và khuyến cáo các hộ, cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh thực hiện các giải pháp bảo vệ thủy sản nuôi.

Đối với tôm nuôi nước lợ

Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để cải thiện môi trường nước, kiểm soát mật độ tảo, ổn định PH và độ kiềm, giảm hàm lượng khí độc và kiểm soát mật độ vi khuẩn trong ao nuôi. Duy trì mực nước trong ao từ 1,2 – 1,5 m để giữ ổn định nhiệt độ, PH, độ mặn và độ kiềm trong ao. 

Ảnh minh họa

Dự trữ nước sạch trong ao lắng để cung cấp hoặc thay thế một phần ao nuôi khi cần thiết. Hạn chế đánh bắt và vận chuyển tôm khi thời tiết nắng nóng, nên tiến hành vào lúc sáng sớm, chiều mát.

Đối với thủy sản nước ngọt

Duy trì mực nước trong ao nuôi từ 1,5 – 2 m tích cực tạo ôxy cho ao nuôi bằng máy quạt nước, máy sục khí hoặc dùng máy bơm bơm ngược lại ao. Trong những ngày nắng nóng cần giảm lượng thức ăn từ 30 – 40% hoặc cắt bỏ bữa ăn vào buổi trưa, khẩu phần ăn cần bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất… để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi. Chủ động thu hoạch thủy sản nuôi đạt kích thước thương phẩm ngay sau khi thiếu nước, hạn hán xảy ra.

Đối với cá nuôi lồng/bè

Các hộ nuôi tiến hành thu tỉa khi cá nuôi đạt kích cỡ thu hoạch để giảm mật độ nuôi trong lồng. Hạn chế đánh bắt, san thưa, vận chuyển, thả giống vào những ngày nắng nóng, thời điểm nắng nóng trong ngày. Thực hiện nuôi đúng mật độ, sử dụng thức ăn đủ số lượng và đảm bảo chất lượng để hạn chế ô nhiễm nguồn nước. 

Tổ chức tốt công tác vệ sinh môi trường để hạn chế chất thải, nước thải xả trực tiếp ra vùng nuôi, giảm tình trạng ô nhiễm hữu cơ môi trường nước. Hướng dẫn người nuôi các biện pháp di dời lồng/bè nuôi đến khu vực an toàn khi đối tượng nuôi gặp bất lợi về môi trường, thời tiết.

Đối với ngao nuôi

Cần thường xuyên vệ sinh mặt bãi, vây cọc, tu sửa chân vây lưới, tạo sự thông thoáng cho nước triều lên xuống làm phong phú nguồn thức ăn cho ngao. Những bãi nuôi có mật độ cao cần san thưa để giảm sự cạnh tranh thức ăn. 

Ngao đạt kích cỡ thương phẩm nên thu hoạch để giảm mật độ. Mỗi khu vực nuôi ngao khi thu hoạch xong phải cải tạo đúng quy trình rồi mới tiến hành thả nuôi. Không thả giống ở thời điểm nhiệt độ cao và nắng nóng kéo dài.

An Nhiên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!