T2, 06/07/2020 10:56

Thanh Hóa: Bất cập từ những cảng cá

Chưa có đánh giá về bài viết

Để phát huy tiềm năng, lợi thế của ngành khai thác và chế biến hải sản, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng đầu tư xây dựng các cảng cá Lạch Bạng, Lạch Hới và Hòa Lộc. Tuy nhiên, việc vận hành các cảng cá còn nhiều bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khai thác và đời sống của ngư dân.

Cảng cá Hòa Lộc (Hậu Lộc) là một trong 3 cảng cá của tỉnh, được đầu tư xây dựng với số vốn hơn 90 tỷ đồng. Với 2 bến cầu tàu, tổng chiều dài 270m, cảng cá được thiết kế đáp ứng cho 200 đến 300 tàu thuyền công suất từ 135 – 450 CV ra vào, neo đậu; làm dịch vụ với sản lượng hải sản 20.000 tấn/năm. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, cảng cá này vẫn chưa thu hút được nhiều tàu thuyền vào làm dịch vụ. Thời điểm chúng tôi ghé thăm, cảng cá chỉ có 4-5 chiếc tàu neo đậu chờ ra khơi. Nhưng, cùng thời điểm ấy, tại bãi biển các xã Ngư Lộc, Minh Lộc, cảnh mua bán, sơ chế hải sản, sửa chữa tàu thuyền lại diễn ra tấp nập. Điều này được chính quyền và nhân dân địa phương lý giải do sự bất cập về vị trí đầu tư xây dựng. Cảng cá được xây dựng tại xã Hòa Lộc, nhưng số lượng tàu thuyền khai thác hải sản lại tập trung nhiều ở xã Ngư Lộc. Theo số liệu thống kê của UBND huyện Hậu Lộc, toàn huyện có 690 phương tiện đánh bắt, trong đó Ngư Lộc  có tới 309 phương tiện với tổng công suất 37.754CV, chiếm hơn 60% tổng công suất. Trong khi đó, tại Hòa Lộc chỉ có 129 phương tiện với tổng công suất 8.585 CV, chiếm chưa đến 14% tổng công suất. Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, cho biết: Do sự cách trở về vị trí địa lý, cảng cá được xây dựng cách xa cửa biển 4 – 5km nên chỉ có khoảng 30% số phương tiện của xã cập cảng cá. Mặt khác, tại các xã Ngư Lộc, Minh Lộc, hoạt động chế biến trên bờ phát triển hơn do có lịch sử lâu đời nên nguồn hải sản khai thác về từ các tàu thuyền được tiêu thụ nhanh chóng hơn khi vào cảng cá. Đồng thời, ngư dân các xã này cũng muốn đưa thủy sản vào quê mình để tạo việc làm cho người thân. Tại bờ biển Minh Lộc, chúng tôi gặp gia đình chị Hoàng Thị Mười, thôn Chiến Thắng, xã Ngư Lộc đang tất bật bóc tôm nhập cho đại lý thu mua. Chị nói, tàu nhà chị không cập cảng cá mà cập ngay bãi biển gần nhà. Gia đình chị có 5 người, chồng và con trai đi biển, còn 3 mẹ con chị ở nhà sơ chế, tiêu thụ sản phẩm. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Ngư Lộc hiện nay có hơn 17.000 dân, trong đó số người làm nghề khai thác là hơn 1.700, còn lại ở nhà tham gia hoạt động buôn bán, chế biến thủy, hải sản. Nếu tất cả các tàu cá của xã đều cập cảng cá sẽ gây rất nhiều khó khăn cho địa phương trong việc phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm cho người dân.

 

70% cầu cảng của Cảng cá Lạch Hới (phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn) chỉ làm nơi neo đậu tàu, thuyền.

Cảng cá Lạch Hới nằm trên địa bàn phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn. Năm 2003, Cảng cá Lạch Hới được cải tạo lại với số vốn 25 tỷ đồng. Tại đây cũng vừa đưa vào sử dụng âu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão với sức chứa 700 phương tiện, tổng số vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động của Cảng cá Lạch Hới lại đang rơi vào tình trạng quá tải. Hàng năm, trung bình có 2.600-3.000 lượt tàu thuyền ra vào làm dịch vụ tại cảng, trong đó 80% là tàu có công suất từ 90 CV trở lên. Trong khi đó, 70% cầu tàu ở Cảng cá Lạch Hới chỉ đáp ứng được loại tàu công suất dưới 33 CV, nguyên nhân chủ yếu do phần cầu cảng cũ cải tạo lại không phát huy được tác dụng. Theo phản ánh của một số ngư dân, nhiều khi tàu thuyền khai thác về nhưng phải xếp hàng đợi vào cảng, lãng phí thời gian, ảnh hưởng tới chất lượng hải sản, khiến ngư dân dễ bị tư thương ép giá. Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND phường Quảng Tiến, cho biết: Phường có 203 tàu cá với tổng công suất 52.000 CV, trong đó tàu có công suất từ 90 CV trở lên là 160 chiếc và Cảng cá Lạch Hới mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu cập bến của tàu thuyền địa phương chưa tính tàu thuyền của địa phương khác. Còn ông Trần Văn Khánh, thôn Thọ Xuân, phường Quảng Tiến, cho biết: Sau mỗi chuyến đi biển hàng tháng trời, nhiều khi tàu về không có chỗ làm dịch vụ đành phải cập một số bến cá nhỏ chứ không thể đợi vào Cảng cá Lạch Hới được.

Một điều đáng quan tâm là các cảng cá trên địa bàn tỉnh đều không chủ động được trong việc nạo vét, khơi thông luồng lạch. Điều này không những ảnh hưởng  lớn đến việc phát huy công năng của cảng cá mà còn gây mất an toàn cho tàu thuyền ra vào làm dịch vụ cũng như tránh, trú bão. Do luồng lạch quá cạn nên tàu cá ra vào cảng đều phụ thuộc vào thủy triều, chỉ hoạt động được 4-5 giờ/ngày, khiến ngư dân rất bị động trong việc ra vào cảng, nhất là tàu công suất lớn. Ông Lê Văn Thăng, Trưởng Ban Quản lý Cảng cá Hòa Lộc, cho biết: Cảng cá Hòa Lộc ở cuối cửa lạch nên mùa mưa lũ, phù sa lắng đọng nhanh, hạn chế tàu thuyền công suất lớn ra vào. Ở đầu lạch, nhiều người dân 2 huyện Hoằng Hóa và Hậu Lộc lấn chiếm để nuôi ngao nên các tàu của địa phương khác e ngại mắc cạn, rất ít khi cập bến, mặc dù đây là cảng được thiết kế cho khu vực. Còn Anh Trần Văn Thuận, khu phố Thọ Xuân, phường Quảng Tiến, cho hay: Gia đình anh đang đầu tư đóng mới và chuẩn bị hạ thủy tàu cá công suất 750 CV. Tuy nhiên, khó khăn ở đây là luồng lạch Cảng cá Lạch Hới quá cạn nên không thể vào làm dịch vụ. Anh còn cho biết thêm, trên hành trình đi biển anh có gặp nhiều bạn tàu, họ cũng rất muốn vào Cảng cá Lạch Hới nhưng do bất cập về luồng lạch nên đành chịu.

Dịch vụ hậu cần tại các cảng cá tuy có phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khai thác, chế biến hải sản của ngư dân. Cảng cá Hòa Lộc đã đi vào hoạt động hơn 2 năm, nhưng hiện mới có 1 nhà máy chế biến thức ăn gia súc đi vào hoạt động, một số hạng mục khác như cây xăng, các nhà máy sửa chữa tàu, chế biến thủy sản… vẫn còn đang trong quá trình đầu tư và xây dựng nên chưa đủ sức thu hút với ngư dân. Cơ sở hạ tầng của Cảng cá Lạch Hới đã được đầu tư đầy đủ hơn, tuy nhiên hoạt động chế biến mới dừng lại ở cấp đông, sơ chế sản phẩm chứ chưa có nhà máy chế biến thủy, hải sản đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Do đó, khi thủy sản cập bờ thì vẫn bị tư thương ép giá.

Để các cảng cá đáp ứng nhu cầu về dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân, Nhà nước sớm xem xét, bố trí nguồn vốn để nạo vét, khai thông luồng lạch, bảo đảm thuận lợi cho tàu thuyền ra vào cảng. Đối với Cảng cá Lạch Hới, các cơ quan chức năng nghiên cứu phương án cho mở rộng cảng cá, kéo dài về phía đông để tăng năng lực bốc xếp. Bên cạnh đó, nên đầu tư 3 cầu tàu tại lòng âu tránh trú bão làm nơi đậu tàu và làm dịch vụ để phát huy tối đa giá trị đầu tư (thời gian tránh trú bão chỉ khoảng 2 tháng/năm). Với Cảng cá Hòa Lộc, UBND huyện Hậu Lộc, ban quản lý cảng sớm có phương án huy động các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư khai thác cảng cá, đồng thời thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án cụm công nghiệp dịch vụ nghề cá, khu tái định cư để “kéo” một phần ngư dân và phương tiện khai thác của xã Ngư Lộc về khu vực cảng cá hoạt động, giải quyết việc làm và hạn chế ô nhiễm môi trường tại Ngư Lộc. Ngoài ra, các ngành có liên quan của tỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn, các địa phương, phối hợp đẩy mạnh thu hút đầu tư dự án vào các cảng cá để phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, nhất là chế biến thủy, hải sản xuất khẩu, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Bài, ảnh: Minh Hằng

Báo Thanh Hóa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!