Thanh Hóa: Bền vững nghề nuôi cá đặc sản lồng bè!

Chưa có đánh giá về bài viết

Đặc sản cá lồng bè Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) giúp hàng nghìn hộ dân đổi đời, vượt nghèo trước khi hình thành một đại công trường công nghiệp hiện đại tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Tiềm năng lớn

Vùng biển xã đảo Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia kín gió, sóng nhỏ, ít bị mưa bão đe dọa, môi trường nước tự nhiên ổn định nên nhiều hộ ngư dân Nghi Sơn từ những năm 1990 đã đóng lồng, bè nuôi cá và cho đến nay đây là nơi duy nhất trong tỉnh Thanh Hóa phát triển nghề nuôi cá đặc sản bằng lồng trên biển. Con giống từ biển, thức ăn cũng từ các sản phẩm cá tạp từ biển về nên sản phẩm cá nuôi lồng tại biển Nghi Sơn nổi tiếng thơm, ngon, trở thành đặc sản có giá trị kinh tế cao (như cá giò, cá mú, cá hồng Mỹ…), đem lại nguồn thu không nhỏ cho nhiều hộ dân. Các hộ gia đình Lê Quang Tễ,  Trần Văn Vững, Trần Thị Lý ở đảo Nghi Sơn nuôi cá lồng bè gần 30 năm nay, đang giàu nhanh nhờ thu lãi 200 – 300 triệu đồng/năm.

Ông Tễ kể: “Có những thời điểm, cá mú loại trên 2 kg/con giá 400 – 500.000 đồng/kg, cá giò loại 4 – 5 kg/con giá 250 – 300.000 đồng/kg ngay tại lồng, chúng tôi thu về gần 500 triệu đồng/năm”. Nhận thấy nguồn lợi không nhỏ từ nuôi cá lồng bè, từ dăm bảy hộ nuôi cá nhỏ lẻ trước đây, đến nay đã có có gần trăm hộ dân xã Nghi Sơn tham gia đầu tư nuôi cá đặc sản hàng hóa từ lồng bè trên biển. “Các loại cá có giá trị như cá mú, cá giò đều được chúng tôi khai thác con giống từ biển về thả nuôi; thức ăn của cá cũng từ các loại cá tạp từ biển mang về, tuyệt đối không cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp” – ông Trần Văn Vững ở xã đảo Nghi Sơn cho hay.

Nuôi cá lồng ở Nghi Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hóa – Ảnh: Nhật Huy

 

Lợi và hại

Theo kết quả điều tra quan trắc môi trường nền phục vụ các dự án trọng điểm khu vực Nghi Sơn, tính đến năm 2014 trên diện tích nuôi thả của toàn xã Nghi Sơn có gần 90 hộ tham gia nuôi cá. Tổng số lồng hiện nay 1.845 (trong đó 1.640 lồng đang nuôi) với hơn 315.000 con cá nuôi các loại. Trong khi, theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, xã đảo Nghi Sơn chỉ nuôi tối đa 250 lồng theo kiểu truyền thống.

Ông Hồ Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia cho biết: “Việc nuôi cá lồng của 86 hộ dân tại vụng Ngọc (tên gọi khác của người địa phương) đã đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho người dân trong xã, giải quyết việc làm và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng. Tuy nhiên, việc tăng nhanh số hộ nuôi và lồng nuôi, cũng như mật độ nuôi không theo quy hoạch, định hướng phát triển, kết hợp với việc vụng Ngọc thường xuyên phải nhận nước xả thải sinh hoạt trực tiếp của 1.800 hộ dân và tàu thuyền khai thác qua lại, đã làm cho môi trường nơi đây khá ô nhiễm, tạo thuận lợi cho dịch bệnh phát triển”.

Tại khu vực ven xã đảo Nghi Sơn, hầu hết các hộ dân sống dọc theo bờ biển đều có đường ống xả nước thải sinh hoạt trực tiếp ra biển, rác thải sinh hoạt hằng ngày cũng được người dân ở đây tiện tay ném qua hàng rào xuống biển. Anh Dương Công Huấn, một chủ doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Nghi Sơn, cho biết: “Những năm cuối của thế kỷ trước, người dân nơi đây rất lạc hậu khi coi bờ biển cạnh nhà mình như nhà vệ sinh công cộng. Từ khi có đường nối đảo Nghi Sơn với đất liền, kinh tế cũng như nhận thức của người dân cũng khá hơn nên đến bây giờ hầu như nhà nào cũng có nhà vệ sinh tự hoại. Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình khu vực nên hầu hết nước thải sinh hoạt của dân địa phương bằng cách này cách khác đều được dẫn ra biển”. Anh Nguyễn Văn Luật, ngụ tại vụng Ngọc cho biết thêm: “Hằng ngày, có cả trăm lượt tàu thuyền qua lại tại đây nên việc rơi rớt dầu thải, dầu máy xuống là không tránh khỏi; lượng tàu bè neo đậu qua đêm nơi đây cũng rất nhiều, đã gây nên tình trạng cá nuôi của dân bị chết đồng loạt”. Một nguyên nhân quan trọng khác khiến cá chết hàng loạt tại vụng Nghi Sơn là số lồng nuôi vượt quá nhiều so với quy hoạch 1.640/250 lồng nuôi, dẫn đến ô nhiễm môi trường nước, khiến cá nuôi bị nhiễm bệnh. Từ năm 2010 lại đây, năm nào cũng có tình trạng cá nuôi bị chết. Thời điểm cá chết thường vào các ngày nước sinh, tháng 7, tháng 8 âm lịch có thủy triều lên xuống thay đổi không nhiều, kết hợp với nhiệt độ cao.

Đặc biệt, tháng 7/2011, dịch bệnh làm chết cá ở 608 lồng nuôi của 86 hộ. UBND xã Nghi Sơn cho biết, đã có hơn 83 tấn cá đặc sản gồm cá mú, cá hồng mỹ, cá giò bị chết, thiệt hại hàng tỷ đồng. Nhiều lồng cá chuẩn bị đến ngày thu hoạch bỗng chết trắng, khiến người nuôi thất thu hàng chục triệu đồng. Các cơ quan chức năng đã có văn bản kết luận về hiện tượng cá chết: cá giò bị nhiễm một loại virus làm hoại tử thần kinh; cá hồng mỹ bị nhiễm vi khuẩn Vibrio; cá mú bị sán lá đơn chủ.

Ông Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia cũng khẳng định công tác quản lý của chính quyền xã Nghi Sơn còn khá nhiều hạn chế khi để tình trạng nuôi cá lồng ở xã này phát triển tự phát, không kiểm soát được môi trường nuôi, cũng chưa đưa ra được giải pháp xử lý triệt để, kịp thời.

>> Ông Hồ Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia cho biết: Để phát huy hết tiềm năng sẵn có của địa phương trong việc phát triển bền vững làng nghề nuôi cá lồng bè đặc sản, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương và người dân trong việc nuôi trồng thủy sản gắn liền với bảo vệ môi trường.

Nhật Huy

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!