Đây là kế hoạch của tỉnh Thanh Hóa được đưa ra trong Hội nghị triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được UBND tỉnh tổ chức vừa qua.
Theo đó, tỉnh Thanh Hóa được phân bổ đóng mới 90 tàu khai thác có công suất từ 400 CV trở lên và 4 tàu dịch vụ hậu cần. Thời gian thực hiện tỉnh dự kiến từ nay đến 2016. Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ thực hiện từ tháng 9/2014 đến tháng 6/2015, đóng mới 10 tàu vỏ thép, 20 tàu vỏ gỗ và 2 tàu dịch vụ hậu cần; nâng cấp 40 tàu khai thác có công suất máy chính dưới 400 CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên. Giai đoạn 2 từ tháng 7/2015 đến tháng 12/2016, đóng mới 60 tàu khai thác và 2 tàu tàu dịch vụ hậu cần; nâng cấp toàn bộ tàu khai thác có công suất máy chính dưới 400 CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên, đối với chủ tàu có nhu cầu. Tuy nhiên, theo đại diện của Sở NN&PTNT Thanh Hóa, nếu triển khai giai đoạn 1 thuận lợi có thể đẩy nhanh tiến độ đóng mới tàu cá còn lại trong năm 2015, không cần kéo dài sang năm 2016.
Hiện đội tàu dưới 20 CV của tỉnh Thanh Hóa là 5.000 chiếc – Ảnh: Huy Hùng
Tại Hội nghị, hầu hết ý kiến các đại biểu đều cho rằng nhu cầu đăng ký của ngư dân lớn hơn rất nhiều so với chỉ tiêu được phân bổ, hơn nữa vốn vay Nhà nước hỗ trợ còn hạn chế nên cần xét thêm các điều kiện để hỗ trợ thêm kinh phí giúp ngư dân đóng tàu mới theo đúng chỉ tiêu.
Được biết, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 7.230 phương tiện khai thác thủy hải sản, trong đó đội tàu dưới 20 CV là 5.000 chiếc. Đến nay, nhu cầu của ngư dân 6 huyện ven biển đã đăng ký đóng mới 523 tàu công suất lớn, nhiều nhất là thị xã Sầm Sơn 204 chiếc.
UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các huyện, xã và sở, ngành liên quan phải lựa chọn đúng đối tượng, có năng lực khai thác trên cơ sở công khai, minh bạch, dân chủ. Cụ thể, tiêu chí lựa chọn là những hộ từng tham gia đánh bắt xa bờ, có kinh nghiệm, tay nghề, đảm bảo về năng suất khai thác bình quân và năng lực tài chính, trả công cho người lao động…