(TSVN) – Theo Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, từ đầu năm đến nay, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng ngư dân các địa phương ven biển của Thanh Hóa vẫn khắc phục khó khăn, đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, tìm kiếm các ngư trường khai thác mới để vươn khơi, bám biển. Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng khai thác thủy sản của Thanh Hóa vẫn đạt được kế hoạch đề ra và tăng 101% so với cùng kỳ năm 2023.
Tỉnh Thanh Hóa hiện có trên 6.000 phương tiện khai thác thủy sản, trong đó tàu có chiều dài trên 15 m, khai thác xa bờ có gần 1.100 phương tiện. Từ đầu năm đến nay, mặc dù thời tiết không thuận lợi cho hoạt động khai thác trên biển nhưng với sự động viên, hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền và các ngành chức năng, nhiều ngư dân vẫn tích cực vươn khơi bám biển, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động và nâng cao thu nhập.
Thanh Hóa hiện có trên 6.000 phương tiện khai thác thủy sản. Ảnh: CTV
Với mục tiêu phát triển nghề cá hiện đại, thời gian qua, lĩnh vực thủy sản của tỉnh đã không ngừng thay đổi phương thức sản xuất, từng bước ứng dụng công nghệ số để hệ thống hóa dữ liệu quản lý và tăng hiệu quả của hoạt động khai thác. Từ những hiệu quả bước đầu, ngành nông nghiệp và các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân ứng dụng công nghệ vào khai thác, giúp nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm thủy sản.
Theo khảo sát của Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, hiện nay, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư ứng dụng máy dò ngang Sonar, thiết bị GSHT, hầm bảo quản bọt xốp PU, đèn led dẫn dụ cá. Tính đến cuối tháng 6/2024, toàn tỉnh đã có 1.094 tàu cá lắp đặt thiết bị GSHT, đạt tỷ lệ 100%. Trong công tác quản lý tàu cá, đến nay, toàn tỉnh đã cập nhật dữ liệu đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 2.735 tàu cá vào Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase). Đây là cơ sở dữ liệu khá toàn diện và công cụ hữu ích trong quản lý nghề cá, năng lực khai thác hải sản.
Ngoài ra, toàn tỉnh có khoảng 30% tàu cá hoạt động xa bờ ứng dụng công nghệ dò tìm bằng máy dò Sonar; 10% tàu cá ứng dụng bảo quản sản phẩm bằng hầm bảo quản vật liệu mới PU; 10% tàu cá ứng dụng hệ thống đèn led tiết kiệm năng lượng để dẫn dụ cá và nhiều công nghệ, cải tiến mới khác.
Thông qua việc số hóa trong hoạt động quản lý và khai thác hải sản, 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng tỉnh đã theo dõi, xử lý 283 lượt/234 tàu cá từ 15 m đến dưới 24 m mất kết nối GSHT trên biển trên 10 ngày và xác minh, lập biên bản với 19/18 lượt tàu trên 24 m mất kết nối thiết bị GSHT trên biển trên 10 ngày. Xử lý phạt hành chính hàng trăm triệu đồng và có văn bản đến các cấp chính quyền địa phương và đơn vị liên quan nhằm theo dõi giám sát, tuyệt đối không cho tàu cá đi khai thác khi thiết bị GSHT chưa hoạt động liên tục. Cùng với đó, thông qua việc số hóa trong khai thác, tại 3 cảng cá chỉ định, lực lượng chức năng đã kiểm tra, giám sát được hơn 4.703 tấn hải sản khai thác, thu nhật ký khai thác thủy sản 835 tàu. Đây là những cơ sở quan trọng góp phần hoàn thiện các quy định trong chống khai thác IUU.
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng khai thác thủy sản trên biển của Thanh Hóa đạt trên 68.700 tấn.
Theo Chi Cục Thủy sản Thanh Hóa, so với cùng kỳ năm 2023, sản lượng thủy sản tăng không đáng kể nhưng giá trị lại tăng cao nhờ tiêu thụ tốt, giá bán cao hơn và các sản phẩm hải sản khai thác có giá trị hơn. Hiện nay, Chi cục đang tiếp tục khuyến khích ngư dân tìm kiếm các ngư trường khai thác hiệu quả; đồng thời áp dụng các tiến bộ trong khai thác để nâng cao hiệu quả.
Để đạt kế hoạch khai tác thủy sản trong năm 2024, các ngành có liên quan của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển đang tiếp tục tuyên truyền vận động ngư dân chấp hành nghiêm các khuyến nghị của EC về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo.
Tiếp tục củng cố, phát triển các tổ đoàn kết trên biển; khuyến khích các chủ tàu cá khai thác vùng khơi ứng dụng các tiến bộ khoa học để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm khai thác hải sản nhằm góp phấn giảm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả khai thác.
Ngọc Diệp