(TSVN) – Bước vào mùa mưa bão, thời tiết không thuận lợi cho khai thác thuỷ sản, nhất là khai thác biển. Ước tính tháng 8/2023, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản Thanh Hóa đạt 118.570 tấn, giảm 1,5% so với tháng trước, tăng 1,9% so tháng cùng kỳ.
Trong đó sản lượng khai thác 11.690 tấn, giảm 1,1% so với tháng trước và tăng 0,7% so cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng 6.880 tấn, giảm 2,1% so với tháng trước và tăng 3,8% so cùng kỳ;
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, sản lượng khai thác và nuôi trồng ước đạt 141.939 tấn, tăng 3,9% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng khai thác 91.868 tấn, tăng 4,5%; sản lượng nuôi trồng 50.071 tấn, tăng 2,9%.
Hiện tỉnh Thanh Hóa có 6.010 tàu cá tham gia khai thác thủy hải sản. 8 tháng đầu năm 2023 có 1.269 lượt tàu rời cảng, 813 lượt tàu cập cảng, sản lượng thủy sản đạt 6.704 tấn. Lực lượng chức năng đã nhập 2.421 tàu cá vào hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNfishbase.
Các tàu cá của ngư dân trở về cảng cá Hòa Lộc, Hậu Lộc sau những chuyến đánh bắt xa bờ.
Ảnh: Ngọc Thêm
Tuy nhiên trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng một số chủ tàu, thuyền trưởng chưa ghi hoặc không ghi đầy đủ nhật ký khai thác hải sản, chưa duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động trên biển; còn một số tàu thuyền hết hạn, quá hạn đăng kiểm… Ban chỉ đạo IUU tỉnh đã tổ chức 5 cuộc kiểm tra tại các địa phương và cảng cá trên địa bàn tỉnh, phát hiện, xử lý 47 vụ vi phạm, phạt hành chính hơn 1,5 tỷ đồng.
Để đạt kế hoạch khai thác thủy sản trong năm 2023, các ngành có liên quan của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển đang tiếp tục tuyên truyền vận động ngư dân chấp hành nghiêm các khuyến nghị của EC về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo. Tiếp tục củng cố, phát triển các tổ đoàn kết trên biển; khuyến khích các chủ tàu cá khai thác vùng khơi ứng dụng các tiến bộ khoa học để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm khai thác hải sản nhằm góp phấn giảm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả khai thác.
Tương tự khai thác, trong 8 tháng năm 2023, tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, như: dịch bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, vi bào tử trùng trên tôm nuôi, chi phí vật tư đầu vào tăng cao. Trong khi đó, giá các mặt hàng thủy sản nuôi không ổn định, đặc biệt giá tôm thẻ chân trắng giảm mạnh so cùng kỳ các năm trước, gây khó khăn cho người nuôi trong công tác tái đầu tư sản xuất.
Tuy nhiên đến nay, giá tôm nuôi đã tăng trở lại và dự báo trong các tháng cuối năm giá thủy sản nuôi sẽ tiếp tục tăng, ổn định, đặc biệt là giá tôm thẻ chân trắng. Để đảm bảo kế hoạch tăng trưởng, hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch lĩnh vực nuôi trồng thủy sản năm 2023, Sở NN&PTNT Thanh Hóa tăng cường chỉ đạo nuôi trồng thủy sản các tháng cuối năm 2023. Cụ thể:
UBND các huyện, thị xã, thành phố ổn định diện tích nuôi thủy sản hiện có, tăng vụ thả nuôi nhằm tận dụng tối đa diện tích mặt nước sẵn có để tăng sản lượng và giá trị sản phẩm nuôi trồng, góp phần nâng cao sản lượng toàn lĩnh vực năm 2023. Phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp hạ giá thành trong nuôi trồng thủy sản. Áp dụng kỹ thuật tiên tiến ở tất cả các khâu trong quy trình nuôi để tăng tỷ lệ sống, giảm hệ số thức ăn. Tổ chức liên kết sản xuất để giảm khâu trung gian, đảm bảo vật tư đầu vào đến tay người nuôi nhanh nhất, gần nhất, chi phí thấp nhất. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân báo cáo, thống kê đầy đủ khi xảy ra dịch bệnh trên động vật thủy sản và phòng chống dịch bệnh.
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản nhằm hạn chế rủi ro dịch bệnh, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả vụ nuôi. Cùng với đó, UBND cấp huyện cần tiếp tục tổ chức thẩm định, đánh giá cấp giấy chứng nhận cơ sở nuôi trồng thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo phân cấp (các HTX nuôi trồng thủy sản).
Chi cục Thủy sản cần ổn định diện tích nuôi trồng với các đối tượng thuỷ sản nuôi chủ lực, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng trên biển và các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Duy trì diện tích nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, tôm – lúa, kết hợp các biện pháp tăng năng suất, sản lượng nuôi. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong nuôi trồng thủy sản (về quản lý giống thủy sản, quản lý nuôi trồng thủy sản, an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản), xử lý nghiêm các vi phạm và công khai kết quả xử lý theo quy định.
Căn cứ vào kết quả quan trắc môi trường có văn bản hướng dẫn người dân nuôi thủy sản. Hướng dẫn, thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định…
Vũ Mưa