Thanh Hóa: Khuyến cáo chăm sóc thủy sản mùa nóng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Những ngày qua, thời tiết Bắc và Trung Bộ nắng nóng gay gắt kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe thủy sản nuôi, nguy cơ dịch bệnh và thiệt hại tăng cao. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra khuyến cáo chăm sóc thủy sản mùa nắng, nóng.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, vụ xuân hè năm 2021, toàn tỉnh thả nuôi 19.000 ha thủy sản. Trong đó, thủy sản nước lợ 4.100 ha, nước ngọt 14.150 ha, nước mặn 1.250 ha và 500 ha TTCT. Sản lượng thu hoạch phấn đấu đạt 57.000 tấn. 

Tính đến hết tháng 5/2021, toàn tỉnh đã cơ bản thả nuôi đạt 100% kế hoạch năm. Cụ thể, diện tích nuôi thủy sản nước ngọt đạt 12.000 ha, với lượng giống đã thả 30 triệu con các loại; tôm sú đã thả 3.540 ha, với 200 triệu con giống; TTCT đã thả với lượng giống 600 triệu con…

Ảnh minh họa

Từ tháng 4/2021 đến nay, thời tiết diễn biến phức tạp, đã xuất hiện đợt nắng nóng cao kết hợp với mưa dông làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của các đối tượng thủy sản nuôi. Chi cục Thủy sản Thanh Hóa khuyến cáo: 

Không NTTS tại những nơi nguồn nước không đảm bảo chất lượng; thả nuôi với mật độ phù hợp và chăm sóc đúng kỹ thuật để hạn chế thiệt hại do nắng nóng và các hiện tượng thời tiết bất thường gây ra; với diện tích nuôi tôm, cá thì sử dụng lưới đen che phủ 2/3 diện tích mặt ao, cách mặt nước trên 2 m theo hình mái chóp hoặc mái bằng cố định, những ao nuôi nước ngọt có thể thả bèo tây chiếm 1/3 diện tích mặt ao làm chỗ trú nắng cho cá. Tăng cường sục khí, quạt nước, sử dụng chế phẩm vi sinh, men tiêu hóa, vitamin C, chất khoáng trộn vào thức ăn và vãi trực tiếp xuống ao nuôi để tăng sức đề kháng, cải thiện môi trường nước và phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản. Khi có mưa lớn, cần tiến hành xả nước tầng mặt, tăng cường sục khí đảo nước tránh hiện tượng phân tầng gây thiếu ôxy tầng đáy, phát sinh khí độc.

Trong những ngày nắng nóng, cần giảm lượng thức ăn từ 30 – 40% hoặc cắt bỏ bữa ăn vào buổi trưa, khẩu phần ăn cần bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất… để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi.

Đối với ngao nuôi: Duy trì mật độ thả 180 – 200 con/m2 đối với cỡ giống thả nuôi 400 – 600 con/kg; dưới 250 con/m2 đối với cỡ nuôi từ 500 – 800 con/kg; 250 – 350 con/m2 đối với cỡ giống từ 800 – 2.000 con/kg. San phẳng mặt bãi ngao nuôi, hạn chế để xuất hiện các vũng nước đọng lại trên bãi nuôi ngao, tránh hiện tượng đọng nước cục bộ. Kiểm tra bãi nuôi thường xuyên và vệ sinh bãi nuôi, giảm thiểu mùn và hữu cơ để ngăn ngừa sự phát triển dịch hại. Đối với diện tích nuôi ngao đạt kích cỡ thương phẩm tiến hành thu hoạch để giảm bớt mật độ nuôi. Vệ sinh vây, lưới tạo độ thông thoáng cho nước triều lên xuống cung cấp nguồn thức ăn cho ngao.

Minh Hiếu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!