(TSVN) – Nhờ áp dụng mô hình nuôi tôm, cua, cá trên cùng đơn vị diện tích đang được người dân xã Xuân Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) cho hiệu quả cao.
Theo UBND xã Xuân Lộc, trong 9 tháng đầu năm, sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản toàn xã đạt khoảng 370 tấn (trong đó nuôi trồng đạt 340 tấn; khai thác đạt 30 tấn); giá trị sản xuất đạt hơn 8,5 tỷ đồng. Trên địa bàn toàn xã hiện nay có 60 hộ dân nuôi trồng thủy sản xen canh trên diện tích 160 ha (60 ha nước ngọt nuôi cá, lúa và 100 ha nước lợ nuôi tôm, cua, cá).
Mô hình nuôi kết hợp tôm, cua, cá cho hiệu quả bền vững. Ảnh: CTV
Thực tiễn chứng minh mô hình nuôi trồng thủy sản xen canh hiện đang rất thành công và góp phần cải thiện và nâng cao thu thu nhập cho nông dân tại xã Xuân Lộc. Đây cũng là hướng đi mới trong phát triển kinh tế của địa phương, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.
Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Bốn nằm ở thôn Bái Hà Xuân (xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Đầu những năm 1990, nhận thấy tiềm năng, lợi thế của đồng đất địa phương trong việc nuôi trồng thủy sản thay vì canh tác lúa đơn thuần, ông Bốn đã cùng vợ thuê thầu một phần đất của xã, cải tạo ao đầm, chuyển đổi vật nuôi, nhằm tăng thu nhập cho gia đình. Mô hình nuôi tôm, cua, cá kết hợp của gia đình ông từng bước phát huy hiệu quả, cho thu nhập hàng chục triệu đồng/vụ, trong những năm đầu tiên triển khai thực hiện. Nhờ cách làm hiệu quả, sản phẩm thủy sản của gia đình ông sau khi khai thác được thương lái bao tiêu với giá cao.
Đến nay, với 5 ha ao đầm nuôi xen canh tôm, cua, cá, hàng năm mô hình nuôi thủy sản của gia đình ông Bốn cho thu nhập khoảng 200 – 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Nguồn thu này gấp nhiều lần so với trồng lúa và các loại rau màu khác cùng trên đơn vị diện tích. Nhờ sự nhạy bén trong tư duy sản xuất bằng việc mạnh dạn mở ra lối đi riêng, nên kinh tế gia đình ông đã trở nên khá giả.
Ông Bốn chia sẻ thêm, mô hình nuôi xen canh thủy sản khác hẳn với nuôi công nghệ cao. Các loại thủy sản nuôi ghép hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Thức ăn chủ yếu dùng cho nuôi trồng thủy theo hướng quảng canh sản là cá, tôm, bột ngô xay nhuyễn. Quá trình nuôi đặc biệt lưu ý, các loài thủy sản nuôi kết hợp thường dễ nhiễm bệnh vào vụ xuân – hè. Do đó, cần chú ý tới việc thay nước, vệ sinh ao nuôi sạch sẽ.
Theo người dân xã Xuân Lộc, mô hình sản xuất kết hợp cua, cá, tôm có vốn đầu tư thấp, phù hợp với trình độ, điều kiện kinh tế hộ gia đình và nguồn lực đất đai tại địa phương. Thủy sản khi thu hoạch đảm bảo yêu cầu về chất lượng, được thương lái bao tiêu và dễ tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, hình thức nuôi xen canh các loại thủy sản theo hướng quảng canh cũng bộc lộ nhiều hạn chế vì sản lượng và giá trị sản xuất phụ thuộc vào thời tiết từng vụ, từng năm.
Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, cán bộ nông nghiệp xã Xuân Lộc cho biết, nhiều hộ dân trong xã vẫn chưa dám đầu tư mở rộng sản xuất các mô hình nuôi trồng thủy sản do thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật và tâm lý sợ rủi ro khi đầu tư.
Thái Dương