(TSVN) – Tại thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa, tình trạng nuôi trồng thủy sản tự phát đã trở nên phổ biến, gây ra những hệ lụy tiêu cực về môi trường.
Vùng cửa sông Lạch Bạng, đoạn chảy qua các phường Hải Thanh, Hải Bình, Xuân Lâm và Bình Minh, thị xã Nghi Sơn, từ năm 2012 là khu tránh trú bão cho tàu thuyền của ngư dân. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, tại khu vực khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Lạch Bạng (trên dòng sông kênh Than, đoạn từ đầu luồng nối với sông Bạng đến gần cầu Đò Bè) xuất hiện việc nhiều hộ dân đặt lồng, bè nuôi trồng thủy sản tự phát.
Bên cạnh đó, vài năm trở lại đây, dù không có quy hoạch đất nuôi trồng thủy sản tại khu vực ven biển, thế nhưng, tình trạng nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát trên địa phường Tĩnh Hải (thị xã Nghi Sơn) cũng phát triển khá mạnh.
Lồng bè nuôi thủy sản tự phát trên sông Bạng. Ảnh: NT
Theo ghi nhận, tại phường Tĩnh Hải có 5 khu nuôi trồng thủy sản tự phát, chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng, tập trung chủ yếu tại tổ dân phố Liên Vinh. Mỗi khu vực nuôi cách nhau khoảng vài trăm m2. Diện tích khu vực nuôi lớn nhất khoảng 4.000 m2, nhỏ nhất cũng phải vài trăm m2. Bên trong, các ao nuôi được lót bạt, xây bể nổi để nuôi, chiều cao khoảng 1,2 – 1,5 m; Các khu vực nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát chủ yếu nằm trên đất ở, đất nông nghiệp của người dân.
Hậu quả của việc nuôi thủy sản tự phát không chỉ khiến môi trường sống, hệ sinh thái mặt nước xung quanh bị ảnh hưởng nặng nề mà ngay cả chính những người dân nuôi thủy sản trong khu vực này cũng gánh chịu tổn thất. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên tình trạng trên vẫn kéo dài mà chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục khiến tình trạng ô nhiễm, ách tắc dòng chảy, gây khó khăn cho tàu thuyền qua lại đang ngày một trầm trọng hơn, đến mức báo động.
Theo thống kê, đến ngày 30/7/2024, tổng số lồng, bè nuôi tự phát trên địa bàn thị xã Nghi Sơn là 4.441 (trong đó có 2.479 lồng, 1.962 bè) và 73 hộ nuôi tôm, chủ yếu trên địa bàn các xã, phường: Hải Thanh, Hải Bình, Bình Minh, Xuân Lâm, Hải Hà, Nghi Sơn, Hải Châu, Hải Hòa, Ninh Hải, Hải Yến, Tĩnh Hải,…
Để xử lý dứt điểm tình trạng nuôi trồng thủy sản trái phép, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp cố tình vi phạm, thị xã Nghi Sơn đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) xử lý việc nuôi trồng thủy sản tự phát trên địa bàn thị xã do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thị ủy làm trưởng ban; đồng thời thành lập 3 tổ công tác do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy làm tổ trưởng trực tiếp chỉ đạo trên địa bàn các xã, phường.
Cùng đó, UBND thị xã cũng đã ban hành Kế hoạch số 301/KH-UBND ngày 2/8/2024 về việc xử lý nuôi thủy sản lồng, bè trái phép trên địa bàn thị xã năm 2024, với mục tiêu, phấn đấu hoàn thành toàn bộ việc xử lý nuôi trồng thủy sản tự phát trên địa bàn các xã, phường trước ngày 31/12/2024.
Để đạt được yêu cầu đề ra, BCĐ yêu cầu các phòng, ban, ngành, UBND các xã, phường có các hộ dân nuôi trồng thủy sản tự phát tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện với tinh thần “quyết tâm, quyết liệt, hiệu quả” đẩy nhanh tiến độ giải tỏa các ô lồng nuôi cá, bè nuôi hàu tự phát. Các tổ công tác tham mưu kịp thời, hiệu quả cho BCĐ, cho UBND thị xã và phối hợp có hiệu quả với các xã, phường để tuyên truyền, vận động và các biện pháp xử lý cương quyết, đúng quy định của pháp luật đối với các trường hợp cố tình không chấp hành, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Sau 3 tháng triển khai, đến hết tháng 10/2024, thị xã Nghi Sơn đã hoàn thành 60% khối lượng công việc. Nhiều hộ dân trên địa bàn các xã, phường: Hải Thanh, Hải Bình, Bình Minh, Xuân Lâm, Hải Hà, Nghi Sơn, Hải Châu, Hải Hòa, Ninh Hải, Hải Yến, Tĩnh Hải,… sau khi được tuyên truyền, vận động đã thống nhất tháo dỡ bè nuôi hàu, trả lại hiện trạng mặt nước.
Cùng đó, các phường Hải Thanh, Bình Minh đã huy động lực lượng, phương tiện xử lý vệ sinh môi trường hai bên bờ và tuyến luồng tàu thuyền sạch sẽ, thông thoáng. Thị xã Nghi Sơn phấn đấu xử lý dứt điểm việc nuôi trồng thủy sản tự phát trên địa bàn trong năm 2024.
Nguyễn Hằng
Việc nuôi trồng thủy sản tự phát không chỉ khiến người dân đối diện với nhiều rủi ro dịch bệnh mà còn gây ô nhiễm môi trường; chịu thiệt hại về kinh tế khi bị cưỡng chế tháo dỡ các bè, mảng đã đầu tư.