THỨ NĂM, ngày 15/5/2025

Thanh Hóa: Phát triển bền vững nghề nuôi ngao

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngao được ngành nông nghiệp Thanh Hóa xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, nghề nuôi ngao của địa phương đang gặp phải một số khó khăn do biến đổi khí hậu, tình trạng ngao chết hàng loạt, con giống bị thoái hóa, cơ sở hạ tầng vùng nuôi thiếu đồng bộ,…

Sản lượng đạt 16.000 tấn/năm

Thanh Hóa là một tỉnh có tiềm năng rất lớn cho nuôi trồng thuỷ sản ven biển, đặc biệt là nghề nuôi ngao (nghêu) thương phẩm. Hiện toàn tỉnh có 1.000 ha vùng triều nuôi ngao tập trung tại các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa và thị xã Nghi Sơn,… với sản lượng hàng năm khoảng 16.000 tấn. 

Ngao nuôi được ngành nông nghiệp xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh, vì vậy các địa phương ven biển đang tích cực phát triển chuỗi liên kết nuôi và tiêu thụ ngao; đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi ngao, nâng cao chất lượng con giống; mở rộng vùng nuôi ngao bền vững được chứng nhận theo tiêu chuẩn. 

Toàn tỉnh có 1.000 ha vùng triều nuôi ngao tập trung tại các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn, Quảng Xương,… Ảnh: Quang Duy

Điển hình như tại vùng nuôi ngao tại huyện Hậu Lộc, hiện các cơ sở đã liên kết với Công ty CP Xuất khẩu thủy sản Thanh Hóa để tiêu thụ hàng ngàn tấn ngao thương phẩm. Toàn bộ ngao nguyên liệu được đưa về công ty chế biến trên hệ thống máy móc, thiết bị nhập từ Hà Lan, công suất thiết kế 300 tấn ngao mỗi ngày, phục vụ xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản,… Điều này đã cho thấy, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm ngao là phương thức sản xuất có tính bền vững.

Cùng đó, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa đã thường xuyên quan trắc môi trường để cảnh báo kịp thời cho người nuôi. Hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ sinh học cho sản xuất ngao giống và nuôi thương phẩm. Tăng cường công tác khuyến nông, tập huấn, khuyến cáo thông tin kịp thời về tình hình nuôi, kỹ thuật nuôi mới cho người dân. Cán bộ kỹ thuật thường xuyên được tiếp cận, đào tạo ngắn hạn về sản xuất giống và nuôi thương phẩm tại các trung tâm, vùng nuôi tiên tiến, hiện đại trong và ngoài nước, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm, sản phẩm ngao nuôi và truy xuất nguồn gốc. 

Tháo gỡ khó khăn

Mặc dù vậy, nghề nuôi ngao của Thanh Hóa hiện đang gặp phải một số khó khăn do biến đổi khí hậu, tình trạng ngao chết hàng loạt, con giống bị thoái hóa, cơ sở hạ tầng vùng nuôi thiếu đồng bộ; xả thải của các cơ sở sản xuất ra cửa sông ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển, có thời điểm gây chết ngao, người nuôi thiệt hại lớn; đầu ra, giá cả có thời điểm bấp bênh,…

Để đảm bảo diện tích, phát triển hiệu quả và bền vững nghề nuôi ngao trên địa bàn tỉnh, ngành chức năng tiếp tục chỉ đạo các huyện có diện tích nuôi ngao cần rà soát lại quy hoạch nuôi ngao của địa phương, chỉ đưa phần diện tích đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vào quy hoạch nuôi, thực hiện tốt công tác quản lý vùng nuôi. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi ngao tuân thủ quy trình kỹ thuật. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.

Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì phối hợp với UBND các huyện hướng dẫn quy trình nuôi, công tác quản lý vùng nuôi. Tiếp tục thực hiện chương trình giám sát nhuyễn thể hai mảnh vỏ đảm bảo tiêu chí an toàn thực phẩm; thực hiện thu mẫu định kỳ để đánh giá môi trường và dịch bệnh nhằm cảnh báo cho người nuôi tránh được những rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Nguyễn Hằng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!