Thanh Hóa: Phát triển thủy sản theo hướng bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) -Mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt “Đề án phát triển thủy sản nhanh và bền vững gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành thủy sản Thanh Hóa tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển đồng bộ, toàn diện cả khai thác và nuôi trồng, góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có trên 600 hộ tham gia chuỗi liên kết trong nuôi trồng thủy sản, áp dụng quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, có cam kết về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các hộ nuôi còn được hỗ trợ về con giống, thức ăn, tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và liên kết với các đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Sản lượng tiêu thụ thông qua các chuỗi liên kết hàng năm đạt hơn 1.000 tấn thủy sản.

Thanh Hóa có trên 6.250 tàu cá khai thác hải sản, trong đó có 1.145 tàu khai thác xa bờ. Nhiều tàu cá được trang bị các loại máy điện tử hàng hải hiện đại như máy định vị, máy dò cá, máy thông tin liên lạc; công nghệ và phương tiện khai thác, bảo quản ngày càng tiên tiến, thuận lợi cho việc bám biển dài ngày tìm kiếm ngư trường mới. Sản lượng thủy sản qua cảng tăng, đảm bảo cho việc truy suất nguồn gốc sản phẩm khai thác.

Các tàu cá của ngư dân trở về cảng cá Hòa Lộc, Hậu Lộc sau những chuyến đánh bắt xa bờ. Ảnh: ST

Để bù đắp sản lượng trong điều kiện khai thác được dự báo ngày càng khó khăn, nuôi trồng thủy sản được khuyến khích đẩy mạnh phát triển toàn diện trên cả 3 loại hình: nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Hiện Thanh Hóa đã hình thành vùng nuôi cá lồng tập trung tại một số địa phương như Thị xã Nghi Sơn, huyện Thường Xuân, khai thác hiệu quả diện tích mặt nước khu vực cửa lạch, đảo, hồ thủy điện, thủy lợi. 

Nhờ phát triển đồng bộ, toàn diện cả khai thác và nuôi trồng, nên dù trong bối cảnh khó khăn chung, tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 của Thanh Hóa vẫn đạt hơn 105.000 tấn, giá trị sản xuất trên 3.250 tỷ đồng, tăng hơn so với cùng kỳ. Riêng giá trị xuất khẩu thủy sản đến nay đã đạt 134 triệu USD/năm, vượt so với mục tiêu đề ra đến năm 2025 là 125 triệu USD. Cùng với đó, duy trì ổn định diện tích nuôi ngao 1.000 ha, nuôi tôm 4.100 ha. Diện tích nuôi trồng không tăng nhưng sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng đáng kể nhờ việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại.

Khánh Nguyễn 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!