(TSVN) – Thanh Hóa là tỉnh có tiềm năng nuôi trồng thủy sản tương đối lớn với hơn 19.200 ha. Tuy nhiên, hiện các cơ sở trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 40 – 50% nhu cầu con giống. Trước thực tế này, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp để tăng năng lực sản xuất, cung ứng con giống, góp phần nâng cao hiệu quả các vụ nuôi.
Hiện, Thanh Hóa có khoảng 19.200 ha nuôi trồng thủy sản (NTTS), trong đó có 4.100 ha nuôi nước lợ, 14.100 ha nuôi nước ngọt và 1.000 ha nuôi nước mặn. Với diện tích lớn như vậy nên nhu cầu về nguồn con giống chất lượng phục vụ nuôi trồng là rất cao. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh có 44 trại sản xuất giống cá nước ngọt, 3 cơ sở sản xuất tôm sú, ngao được cơ quan chuyên môn cấp phép. Hàng năm, các cơ sở sản xuất, ương dưỡng trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 40 – 50% nhu cầu con giống cho các người dân. Vì thế, phần lớn nguồn giống phải nhập từ tỉnh ngoài, do đó tỷ lệ hao hụt, nhiễm bệnh và chi phí lớn. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn hàng trăm cơ sở hoạt động nhỏ lẻ, khó kiểm soát, tiềm ẩn nguy cơ cung cấp cho thị trường nguồn con giống không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng tới hiệu quả nuôi trồng.
Ngao giống. Ảnh: CTV
“Tuy đã tìm hiểu và kiểm tra chất lượng giống từ một số cơ sở nuôi tôm giống uy tín, nhưng việc nhập giống từ nơi khác do vận chuyển đường dài với mật độ cao làm tôm bị yếu, tỷ lệ hao hụt lớn, khó kiểm soát mầm bệnh, nên không ít lần ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất của gia đình. Tình trạng này cũng xảy ra đối với nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn”, ông Lê Văn Phương, một hộ nuôi tôm tại thôn Châu Triều, xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa) cho biết.
Vì chất lượng con giống còn chưa cao, nên mặc dù đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng, song những năm gần đây, sản lượng NTTS của người dân ở một số huyện như Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương… chưa được như kỳ vọng.
Chất lượng giống là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng của hoạt động NTTS. Do đó, để nâng cao hiệu quả ở lĩnh vực nuôi trồng, ngành nông nghiệp, các địa phương, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp quản lý chất lượng nguồn giống thủy sản, góp phần phát triển ngành thủy sản bền vững.
Cụ thể, tỉnh đã có Kế hoạch số 227/KH-UBND về thực hiện Chương trình quốc gia phát triển NTTS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022 – 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 tỉnh chủ động sản xuất, cung ứng đủ con giống các loài thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng đầu mối thiết yếu đáp ứng yêu cầu sản xuất NTTS tập trung và vùng sản xuất, ương dưỡng giống tập trung.
Đồng thời, để bảo đảm nguồn giống thủy sản cho hoạt động nuôi trồng hiệu quả, Sở NN&PTNT Thanh Hóa cũng đã có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương về tăng cường kiểm soát việc đưa con giống vào địa bàn và tuyên truyền cho người nuôi chỉ mua giống của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan của tỉnh để kiểm tra, kiên quyết xử lý những cơ sở sản xuất giống thủy sản kém chất lượng, chưa được kiểm dịch tại gốc. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của các trại sản xuất giống thủy sản, bảo đảm an toàn về chất lượng.
Thời điểm này, người dân đang thả nuôi vụ cuối năm; vì vậy, để bảo đảm nguồn giống chất lượng, người nuôi phải tự nâng cao ý thức về nguồn giống của cơ sở mình nhập về. Theo đó, cần có hợp đồng ký kết để ràng buộc trách nhiệm của đơn vị cung ứng giống với cơ sở nuôi; theo dõi hồ sơ, chứng từ, thông tin về lô hàng nhập về, tránh thiệt hại cho cơ sở về sau.
>> Từ đầu năm 2023 đến nay, các cơ sở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã sản xuất và ương dưỡng được 1.275 triệu con tôm thẻ chân trắng, khoảng 1.000 triệu cá bột các giống trôi, mè, chép...
Diệu Châu