T2, 06/07/2020 10:41

Thanh Hóa: Tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch: Ngư dân gặp nhiều khó khăn

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo tính toán của ngư dân trong tỉnh Thanh Hóa, tỷ lệ tổn thất thủy sản sau thu hoạch khoảng hơn 20%. Do vậy, ngư dân rất cần được hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi để đầu tư thiết bị giảm tổn thất sau thu hoạch, nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm và tăng thu nhập. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn này lại không hề đơn giản.

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 63/2010/QĐ-TTg và sau đó là Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Theo đó, hỗ trợ lãi suất vốn vay đối với các khoản vay dài hạn bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân qua hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) để mua máy móc, thiết bị sản xuất trong nước nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Với việc ban hành các quyết định này, một mặt khuyến khích doanh nghiệp trong nước sản xuất máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông, ngư nghiệp. Mặt khác, hỗ trợ nông dân, ngư dân được vay nguồn vốn ưu đãi đầu tư mua sắm thiết bị, góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm. Nhưng trên thực tế, sau gần 3 năm các quyết định được đưa vào thực hiện, thì nảy sinh một số vướng mắc, mà đối tượng rất cần được hưởng chính sách ưu đãi của Chính phủ lại bị ảnh hưởng nhiều nhất, đó là bà con ngư dân. Theo số liệu của Ngân hàng NN&PTNT – Chi nhánh Thanh Hóa (Agribank Thanh Hóa), từ năm 2010 đến tháng 11/2013, tổng dư nợ các khoản cho vay được hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 63 trên địa bàn tỉnh là hơn 30 tỷ đồng; số tiền lãi đã hỗ trợ khách hàng vay vốn hơn 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có các tổ chức, cá nhân vay vốn mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, còn đối với lĩnh vực thủy sản thì hầu như chưa có. Tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi được biết, trong quyết định có một quy định yêu cầu các đối tượng phải mua máy móc thiết bị do các tổ chức, cá nhân sản xuất có giá trị sản xuất trong nước trên 60% và phải nằm trong danh mục hàng hóa được hỗ trợ do Bộ NN&PTNT công nhận. Đây là quy định khó có ngư dân nào bảo đảm đủ điều kiện để có thể vay được. Theo ông Trịnh Tứ Ngọc, ngư dân ở phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, chủ của 2 tàu cá công suất từ 190 – 350CV, chuyên đánh bắt xa bờ ở các ngư trường nằm trong vùng Vịnh Bắc bộ, cách bờ biển từ 45 – 50 hải lý, thì: Tàu của gia đình ông thường đánh bắt xa bờ, nên phải có các hầm bảo quản sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Các hầm bảo quản được làm từ vật liệu cách nhiệt Polyurethane (PU) mà trong nước chưa sản xuất được. Tỷ lệ nội địa hóa của hầm bảo quản rất thấp. Vì vậy, ông không thể vay được nguồn vốn hỗ trợ theo Quyết định 63 và Quyết định 65 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Tàu đánh bắt xa bờ của gia đình ông Phạm Gia Thanh ở phường Quảng Tiến (thị xã Sầm Sơn).

Hay như Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Văn Thắng, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) có 4 kho lạnh, cấp đông hải sản trên bờ với công suất 100 tấn để bảo quản sản phẩm sau chuyến ra khơi đánh bắt, các kho chứa sản phẩm của doanh nghiệp phải sử dụng vật liệu PU và composite đóng theo công nghệ Nhật Bản, chống nhiễm vi sinh. Vì vậy, tất cả thiết bị của doanh nghiệp đều có tỷ lệ nội địa hóa thấp, nên không thể tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ từ Quyết định 63. Cũng như Doanh nghiệp Hoàng Văn Thắng, hiện nay, một số tàu dịch vụ thu mua hải sản ở xã Ngư Lộc đều có trang bị hệ thống hầm cấp đông bảo quản sản phẩm. Đây là công nghệ mới được áp dụng trên tàu, bảo quản chất lượng sản phẩm tốt. Tuy nhiên, giá thành cao do tất cả thiết bị của hầm cấp đông đều nhập ngoại, nên các ngư dân đều chưa được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch.

Những năm gần đây, sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh Thanh Hóa đạt bình quân hơn 120.000 tấn. Tuy nhiên, với tỷ lệ tổn thất được tính toán ở mức 20%, ước thiệt hại khoảng 25.000 tấn, tương đương 300 tỷ đồng. Nguyên nhân chính của tổn thất thủy sản sau thu hoạch tập trung chủ yếu ở khâu bảo quản sản phẩm của các tàu, thuyền trên biển. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, tổng số phương tiện khai thác thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh có 7.833 chiếc, với tổng công suất 376.139 CV, trong đó có 1.142   tàu có công suất 90 CV trở lên chuyên đánh bắt xa bờ. Hầu hết các tàu cá đóng bằng gỗ theo mẫu dân gian, áp dụng phương pháp bảo quản truyền thống đã lạc hậu như đá xay hoặc ướp muối. Nhiệt độ bảo quản chỉ khoảng từ 5 – 10oC, do vậy thời gian bảo quản sản phẩm không quá 10 ngày. Việc cải tạo hầm bảo quản theo hướng sử dụng công nghệ mới bằng vật liệu PU là khả thi và hiệu quả nhất. Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc (Hậu Lộc), người đã nhiều năm gắn bó với nghề khai thác hải sản truyền thống của địa phương, cho biết: Việc đóng tàu chủ yếu là thỏa thuận miệng giữa người đặt hàng và người đóng. Trong khi muốn vay được vốn ưu đãi theo Quyết định 63 thì ngân hàng yêu cầu phải có hóa đơn chứng từ, mua máy móc phải có tỷ lệ nội địa hóa 60% trở lên là gần như rất khó để thực hiện được.

Để chính sách thực sự đi vào cuộc sống, giúp ngư dân tiếp cận được nguồn vốn, ngư dân đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu báo cáo Chính phủ điều chỉnh chính sách theo hướng giảm tỷ lệ nội địa hóa máy móc, thiết bị bảo quản sản phẩm thủy sản sau thu hoạch phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tăng cường nguồn vốn hỗ trợ thực hiện các mô hình bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới để ngư dân thấy được lợi ích thiết thực của việc chuyển đổi hình thức bảo quản. Để khuyến khích ngư dân đăng ký tham gia chương trình đóng hầm bảo quản bằng công nghệ mới, Nhà nước cần đơn giản hóa các thủ tục cho vay theo hướng hỗ trợ vốn cho người đăng ký có các điều kiện bảo đảm phù hợp với ngành nghề, thực hiện đóng hầm bảo quản có sự giám sát của cơ quan chức năng. Cùng với tập trung giải quyết những nhóm giải pháp tổng hợp, việc điều chỉnh lại các quy định cho phù hợp với thực tế cuộc sống là cần thiết, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm tổn thất thủy sản sau thu hoạch, nâng cao thu nhập cho ngư dân…

Khánh Phương

Báo Thanh Hóa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!