T2, 06/07/2020 10:56

Thanh Hóa: Tổ đoàn kết vững tin bám biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Trước muôn vàn sóng gió trùng khơi và hiểm nguy trên biển, ngư dân cần có một điểm tựa tinh thần và ý chí vượt khó. Vì vậy, biết tập hợp các tàu để tạo nên sức mạnh tổng hợp, cùng kề vai sát cánh, vững tin vươn khơi.

Nghề biển được coi là nghề có nhiều rủi ro. Một tàu cá bị hỏng máy hay không may nổ bình ga hoặc va quệt với “tàu lạ” dẫn đến vỡ tàu, nếu không được ứng cứu kịp thời thì nguy hiểm ngay đến tính mạng của các thuyền viên. Những năm trước, nhiều ngư dân xấu số của các huyện Hậu Lộc, Tĩnh Gia, thị xã Sầm Sơn… từng mất tích trên biển vẫn còn ám ảnh nhiều người. Nỗi lo sợ ấy dường như đã được “hóa giải” khi các tàu tập hợp, đánh bắt theo tổ/nhóm đoàn kết trên cùng vùng biển. Với những tàu cá có công suất lớn, chuyên khai thác trên vùng đánh cá chung Việt Nam – Trung Quốc, các tàu cá của ta đi theo tổ, nhóm, dàn hàng ngang buông lưới, sẽ ngăn được tàu cá Trung Quốc lấn sâu vào vùng biển Việt Nam.

 

Ngư dân phường Quảng Tiến (thị xã Sầm Sơn) chuẩn bị ngư lưới cụ, tàu thuyền trước khi vươn khơi – Ảnh: Lê Đồng

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang căng thẳng bởi Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan Hải Dương – 981 trái phép trên vùng biển Việt Nam, nhiều tàu cá Việt Nam đã bị xua đuổi. Song, các tổ, nhóm tàu khai thác của các tỉnh miền Trung vẫn kiên cường bám biển, vươn khơi khẳng định chủ quyền. Tại Thanh Hóa, hiện vẫn có một số tổ đoàn kết (TĐK) đang tiến hành khai thác quanh vùng biển Hoàng Sa và gần Trường Sa. Chúng tôi tìm về phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn trong một ngày nắng gay gắt, nhưng các tàu thuyền vẫn đang vươn khơi, bám biển. Theo nắm bắt của chính quyền địa phương, 3 tàu cá của các chủ tàu: Nguyễn Văn Năm, Dương Văn Đoàn, Dương Văn Công (khu phố Vạn Thắng) vẫn đang khai thác tại vùng biển Trung Sa (nằm giữa Trường Sa và Hoàng Sa) theo TĐK. 3 tàu lớn có công suất 382 CV/tàu này đang hành nghề lưới vây khá hiệu quả. Các tàu này được trang bị hiện đại, có máy định vị toàn cầu, hệ thống liên lạc tầm xa, máy dò cá Sona, kho bảo ôn 10 tấn, ướp cá trong vòng 6 tháng… nên có thể khai thác dài ngày. Hàng ngày, họ vẫn liên lạc về đất liền thông báo tình hình qua hệ thống liên lạc tầm xa. Tại Cảng cá Lạch Hới, chúng tôi gặp “lão ngư” Phạm Gia Thanh – người có đôi tàu 1.000 CV lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, ông chia sẻ: Có lần khai thác ở vùng biển Trung Sa, vì đi theo TĐK nên chúng tôi vẫn đi vòng qua đảo Tri Tôn, đi sát các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép.

Nhận thấy vai trò to lớn trong hỗ trợ vươn khơi của các TĐK, thời gian qua, chính quyền và ngư dân phường Quảng Tiến đã thành lập được 17 TĐK khai thác trên biển, mỗi tổ 5 đến 6 tàu, tổ ít nhất cũng 4 tàu. Hiện, 86 tàu cá công suất lớn của phường tham gia vào các TĐK với tổng công suất 27.500 CV và  1.075 thuyền viên chuyên hoạt động trên biển. Mỗi TĐK đều có quy ước hoạt động riêng, được các thành viên ký kết tuân thủ, một chủ tàu có trình độ, năng lực tài chính làm tổ trưởng. Các thành viên trong tổ đều có chức năng hỗ trợ nhau trong tìm kiếm cứu nạn; giúp nhau đánh bắt, chia sẻ ngư trường, luồng cá; gây quỹ để hỗ trợ nhau. Tại nhiều TĐK, sau mỗi chuyến vươn khơi, mỗi thuyền đóng góp quỹ 1 triệu đồng, khi một tàu có nhu cầu thay máy mới, sửa chữa hay mua ngư lưới cụ… thì lấy quỹ cho vay. Các chủ tàu còn tư vấn cho nhau các thủ tục vay vốn, thay đổi ngư lưới cụ cho phù hợp… Được biết, ngư trường truyền thống của các tàu cá phường Quảng Tiến đều khá xa như: Vịnh Bắc bộ, các vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… nên nhu cầu liên kết, tương trợ nhau bám biển và tìm kiếm cứu nạn là vô cùng cần thiết. Nhiều ngư dân địa phương vẫn nhớ, trong cơn bão số 2 năm 2010 đến rất đột ngột với sức gió và sóng biển cực mạnh khiến 26 phương tiện của địa phương bị hư hỏng trên Vịnh Bắc Bộ. Các TĐK của phường đã đoàn kết, đến lai dắt tàu và cứu sống hàng trăm thuyền viên đưa vào đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) an toàn. Gần đây nhất, tháng 2-2014, đôi tàu của ông Trịnh Thuý Ngọc (khu phố Trung Thịnh) bị nạn khi khai thác trên vùng biển Thanh Hóa, các thuyền viên trong cùng TĐK đã có mặt sau ít phút, cứu sống 15 thuyền viên.

Không chỉ hoạt động trên vùng biển Việt Nam, một số tàu dịch vụ của xã Hải Bình (Tĩnh Gia) còn thường xuyên cập bến Kỳ Xá thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) để bán hải sản. Hỏi về tình hình Biển Đông, một thuyền trưởng người địa phương tên Hoàng Văn Cường kể chi tiết diễn biến tình hình căng thẳng quanh vụ Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương – 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, song anh cũng khẳng định vẫn tiếp tục đưa hải sản xuất khẩu đi Quảng Tây do đã có các tàu trong TĐK cùng đi.

Tại xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) – nơi có đội tàu hùng hậu nhất và khai thác xa bờ nhất ở Thanh Hóa cũng đã thành lập 9 TĐK đi khai thác, mỗi tổ 10 đến 12 phương tiện. Đa phần 80 tàu lớn khai thác xa bờ của xã đều hoạt động trên vùng đánh cá chung, giáp lãnh hải Trung Quốc. Các phương tiện được tập hợp thành TĐK theo từng thôn, gia đình, họ hàng, cùng chủng nghề khai thác. Trước tình hình căng thẳng trên Biển Đông, ngày 10-5 vừa qua, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ đội Biên phòng tỉnh, huyện Hoằng Hóa và xã Hoằng Trường đã phối hợp tổ chức lớp tập huấn về nâng cao hiệu quả của TĐK trên biển. Theo đó, các ngư dân được tuyên truyền nâng cao trách nhiệm trong công tác cứu hộ, cứu nạn, trợ giúp nhau khi có rủi ro, biết cách kết hợp để đẩy lùi tàu cá Trung Quốc khi họ lấn vào vùng biển của ta. Theo ông Lê Phạm Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường: Mấy ngày qua, qua hệ thống loa truyền thanh, xã đều tuyên truyền cho các ngư dân và chủ tàu đoàn kết hơn nữa để bám biển. Ngư dân cũng được tuyên truyền phải hết sức kiềm chế, tránh va chạm với tàu bạn trên vùng biển khai thác chung mà hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết.

Qua các cuộc trao đổi với chúng tôi, các ngư dân trong các TĐK ở nhiều vùng biển đều kiến nghị được Nhà nước và các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho những tàu khai thác xa bờ vay vốn cải hoán, mua trang thiết bị; hỗ trợ đóng mới tàu lớn; hỗ trợ phương tiện liên lạc Icom, máy dò cá để bảo đảm an toàn và tăng hiệu quả khai thác. Có như vậy, những người chuyên khai thác khơi xa như vùng đánh cá chung Việt Nam – Trung Quốc, vùng Trường Sa, Hoàng Sa… mới yên tâm sản xuất, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Lê Đồng

Báo Thanh Hóa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!