(TSVN) – Để giúp người dân nắm vững kỹ thuật về công nghệ ương giống và nuôi thương phẩm lươn đồng; Dự án sản xuất thử nghiệm: “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình ương giống và nuôi thương phẩm lươn đồng (Monopterus albus Zuiew) không bùn theo tiêu chuẩn VietGAP tại Thanh Hóa” đã được triển khai và đạt được những kết quả khả quan.
Tại Thanh Hóa, lươn chủ yếu được khai thác từ tự nhiên, đặc biệt là gần đây nhu cầu thị trường tiêu thụ lươn thương phẩm rất lớn, giá trị thương phẩm ngày càng tăng, nhu cầu về con giống, công nghệ nuôi thương phẩm rất cần thiết và cấp bách.
Thời gian qua, nhiều tỉnh, thành trên cả nước trong đó có Thanh Hóa đã nổi lên phong trào nuôi lươn đồng. Tuy nhiên, con giống cung cấp mô hình nuôi chủ yếu được lấy từ tự nhiên dẫn đến chất lượng lươn giống không được đảm bảo; do việc đánh bắt, thu gom ngoài tự nhiên với nhiều hình thức khác nhau, dẫn đến lươn giống bị xây xát, kích thước khác nhau, con giống bị nhiễm bệnh… Từ đó, nhiều mô hình nuôi đã bị thua lỗ, gây nhiều thiệt hại cho người sản xuất.
Để nâng cao hiệu quả nuôi trồng, việc tạo ra con giống có chất lượng thông qua việc ương giống và hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật nuôi thương phẩm là rất cần thiết. Vì mô hình ương giống và nuôi thương phẩm lươn đồng không bùn đã góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình, từng bước cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn ven đô thị.
Sau một thời gian nỗ lực thực hiện với sự ủng hộ của các cơ quan quản lý, cơ quan phối hợp, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa đã hoàn thành Dự án sản xuất thử nghiệm: “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình ương giống và nuôi thương phẩm lươn đồng (Monopterus albus Zuiew) không bùn theo tiêu chuẩn VietGAP”.
Theo đó, Dự án đã tiếp nhận, đào tạo, tập huấn các quy trình công nghệ ương giống và nuôi thương phẩm lươn đồng không bùn của Trường Đại học Cần Thơ. Cử 4 cán bộ đi tham quan, học tập, tiếp nhận công nghệ ương giống và nuôi thương phẩm tại Khoa Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ. Hoàn thiện mô hình ương giống lươn đồng từ giai đoạn giống cấp I (2 – 3 g/con) lên giống cấp II (4 – 5 g/con) trên các bể ương không bùn trong nhà mái che đạt yêu cầu với quy mô 250 m2/năm. Kết quả: Số lượng lươn giống cấp II ương trong 2 năm đạt 301.588 con (tỷ lệ sống 60,2%), trọng lượng trung bình 4,87 g/con. Hoàn thiện 1 mô hình nuôi thương phẩm lươn đồng không bùn đạt chứng nhận VietGAP; quy mô 1.000 m2/năm. Kết quả: Sản lượng lươn thương phẩm nuôi trong 2 năm đạt 30.007 kg (tỷ lệ sống đạt 75,9%), trọng lượng trung bình đạt 139 g/con. Tổng sản lượng lươn thương phẩm 30.007 kg được chứng nhận VietGAP.
Cùng đó, hoàn thiện 1 quy trình kỹ thuật ương giống lươn từ giai đoạn giống cấp I lên giai đoạn giống cấp II không bùn phù hợp với điều kiện tại tỉnh Thanh Hóa. Hoàn thiện 1 quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm lươn đồng không bùn theo VietGAP phù hợp với điều kiện tại Thanh Hóa. Đào tạo 4 kỹ thuật viên thành thạo quy trình ương giống và nuôi thương phẩm lươn đồng không bùn và tập huấn cho 100 nông dân nắm vững quy trình kỹ thuật ương giống và nuôi thương phẩm lươn đồng. Hoàn thành phương án sử dụng, nhân rộng kết quả dự án được hội đồng nghiệm thu.
Đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình:
Về mô hình ương lươn giống cấp I ( 2 – 3 g/con) lên lươn giống cấp II (4 – 5 g/con) với giá thành sản phẩm là 6.283 đồng/con giống cấp II, so sánh với giá lươn giống cấp II bán trên thị trường trước khi thực hiện dự án là 10.000 đồng/con, dự kiến bán thương mại 9.000 đồng/con, tỷ suất lợi nhuận đạt 43,2%. Nghề ương lươn giống sẽ mang lại lợi ích cho bà con nuôi lươn, nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng tới sản xuất lươn thương phẩm theo liên kết chuỗi để giảm giá thành sản xuất nâng cao khả năng cạnh tranh.
Về mô hình nuôi lươn thương phẩm từ lươn giống cấp II (4 – 5 g/con) lên thương phẩm cỡ 140 g/con với giá thành sản phẩm là 131.800 đồng/kg, so sánh với giá lươn thương phẩm bán trên thị trường từ 170.000 – 180.000 đồng/kg, tỷ số lợi nhuận đạt từ 29 – 36,5% theo từng thời điểm. Mô hình nuôi lươn thương phẩm đã mang lại lợi ích cho bà con, nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng tới sản xuất lươn thương phẩm theo liên kết chuỗi để giảm giá thành sản xuất nâng cao khả năng cạnh tranh.
Có thể khẳng định từ thành công của Dự án sẽ giúp cho tỉnh Thanh Hóa làm chủ được công nghệ ương và nuôi thương phẩm lươn đồng không bùn đảm bảo an toàn thực phẩm, phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho bà con nông dân ven đô thị. Đồng thời, góp phần đào tạo một số cán bộ chuyên sâu về kỹ thuật ương và nuôi thương phẩm lươn đồng không bùn đảm bảo an toàn thực phẩm, giúp cho cán bộ kỹ thuật và nông dân ở các huyện hiểu biết đầy đủ về hình thức nuôi mới; có thể làm chủ được công nghệ ương giống chất lượng cao và nuôi thương phẩm lươn đồng không bùn; góp phần mở rộng quy mô sản xuất và chuyển giao công nghệ phục vụ cho nhu cầu của các địa phương.
>> Ngày 27/7/2023, Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Hợp Thắng (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã phối hợp với UBND xã tổ chức Lễ ra mắt Hợp tác xã Dịch vụ nuôi lươn không bùn xã Hợp Thắng với vốn điều lệ 1 tỷ đồng, gồm 7 thành viên. Hợp tác xã được thành lập nhằm mục tiêu hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, nuôi trồng cung cấp lươn thịt và nhân giống lươn, tạo việc làm cho các thành viên, nhằm đáp ứng các nhu cầu và nguyện vọng chung của thành viên về kinh tế và đời sống; phục vụ và hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thêm lợi ích cho thành viên.
Hoàng Thị Thu Hằng
Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa