(TSVN) – Với lợi thế lớn về vùng biển và hệ thống sông ngòi, những năm qua, ngành thủy sản của tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Được xác định là khâu đột phá nhằm thúc đẩy kinh tế – xã hội, tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện nhiều giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản, mang lại giá trị thu nhập cao. Những năm qua, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát triển toàn diện trên cả 3 loại hình: nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi từ hình thức nuôi quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh với các đối tượng nuôi ngày càng đa dạng, phong phú, nhất là những loại có giá trị kinh tế cao, như: tôm, cua, ngao… góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt đối với tôm nước lợ và ngao. Kiểm soát chặt chất lượng vật tư đầu vào như: Giống, thức ăn, chế phẩm sinh học các loại… Giám sát chặt chẽ môi trường ao nuôi đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật…
Thanh Hóa hiện có khoảng 2.086 lồng nuôi cá nước ngọt. Ảnh: ST
Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã hình thành vùng nuôi cá lồng tập trung tại một số địa phương như Thị xã Nghi Sơn, huyện Thường Xuân. Cùng đó, duy trì ổn định diện tích nuôi ngao 1.000 ha, nuôi tôm 4.100 ha. Ngoài ra, còn có khoảng 70.000 m3 thể tích nuôi lồng bè với 3.654 lồng nuôi cá biển và 2.086 lồng nuôi cá nước ngọt, sản lượng khoảng 1.500 tấn/năm. Nhờ việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất nên mặc dù diện tích nuôi trồng không tăng nhưng sản lượng tăng đáng kể qua các năm. 11 tháng đầu năm 2023, sản lượng nuôi trồng ước đạt 67.618 tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước.
Toàn tỉnh hiện có 19.500 ha nuôi trồng thủy sản và khoảng 8.000 ha vùng triều tập trung ở các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nông Cống, thị xã Nghi Sơn, TP Sầm Sơn…
Hàng năm, Chi cục Thủy sản luôn duy trì hoạt động thả cá giống tái tạo nguồn lợi. Ảnh: ST
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Thanh Hóa có trên 5.800 tàu cá đang hoạt động khai thác hải sản. Nhiều tàu cá được trang bị các loại máy điện tử hàng hải hiện đại như máy định vị, máy dò cá, máy thông tin liên lạc; công nghệ và phương tiện khai thác, bảo quản ngày càng tiên tiến, thuận lợi cho việc bám biển dài ngày tìm kiếm ngư trường mới. Sản lượng thủy sản qua cảng tăng, đảm bảo cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác. Trữ lượng khai thác hải sản vùng biển của tỉnh ước khoảng 165.000 tấn/năm. 11 tháng đầu năm 2023, sản lượng khai thác ước đạt 129.587 tấn, tăng 4% so với cùng kỳ.
Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa cũng đã đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền, nhất là các tàu cá có nguy cơ vi phạm về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Hàng tuần, Sở NN&PTNT cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển rà soát, xác minh tàu cá, tập trung vào những tàu cá hết hạn đăng kiểm, hết hạn khai thác thủy sản, chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho tàu cá. Đồng thời, lập danh sách các tàu vi phạm quy định về chống khai thác IUU gửi các lực lượng chức năng trong tỉnh và các tỉnh, thành phố ven biển để phối hợp, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm tàu cá vi phạm quy định về chống khai thác IUU.
Bên cạnh đó, ngành chức năng khuyến cáo ngư dân chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật thủy sản, nhất là thời điểm các loài đang sinh sản. Các hành vi khai thác thủy sản tận diệt (đánh bắt bằng xung điện, kích điện) đều bị xử phạt nặng.
Đặc biệt, để khai thác hiệu quả, quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững, tỉnh đã quan tâm đến công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Cụ thể, hàng năm, Chi cục Thủy sản luôn duy trì hoạt động thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản xuống các thủy vực tự nhiên. Thống kê của Sở NN&PTNT Thanh Hóa, đến hết tháng 11/2023, ngành chức năng đã phối hợp với các tổ chức, đoàn thể và một số địa phương tổ chức 4 đợt thả cá giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản, tại TP Thanh Hóa, huyện Nga Sơn, Yên Định, Quan Hóa. Tổng lượng con giống được thả xuống hệ thống sông, hồ, khu vực ven biển khoảng 6 tấn, gồm cá giống nước ngọt, cua, tôm… Đây là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho người dân làm nghề khai thác thủy sản trên địa bàn.
>> Ngày 5/6/2023, tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt “Đề án phát triển thủy sản nhanh và bền vững gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển”. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, Thanh Hóa phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm ngành thủy sản đạt 5%/năm trở lên; giai đoạn 2026 - 2030, phấn đấu đạt 6%/năm trở lên.
Nguyễn Hằng