Ngày 27/12, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, từ thí điểm thành lập Khu bảo vệ thủy sản Cồn Chìm cuối năm 2009, đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã cho thành lập mười khu bảo vệ thủy sản dựa vào cộng đồng.
Mười khu bảo vệ thủy sản nói trên có tổng diện tích hơn 307 ha, chiếm gần 1,5% diện tích đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.
TS Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Khai thác và bảo vệ thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế cho hay, tại các khu bảo vệ thủy sản dựa vào cộng đồng này đã nghiêm cấm hoàn toàn các hoạt động kinh tế làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên và môi trường thuỷ sinh, bao gồm: khai thác động vật và thực vật thuỷ sinh, nuôi trồng thuỷ sản, xây dựng các công trình sản xuất, chăn thả gia cầm, trâu, bò và các động vật khác vào khu bảo vệ.
Theo ông, nền tảng để duy trì các khu bảo vệ thủy sản này chủ yếu dựa vào cộng đồng, gắn trách nhiệm quản lý, bảo vệ và hưởng lợi của người dân. Trong đó, Chi hội Nghề cá của các xã đóng trên địa bàn được giao trực tiếp quản lý, chịu trách nhiệm bảo vệ, ngăn chặn các hành vi gây hại và đến khu bảo vệ thủy sản.
Chỉ sau một thời gian thực hiện, hiệu quả mang lại rất rõ rệt, người dân có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ địa bàn khai thác của mình; các bãi giống, bãi đẻ của các loại thủy sản được cộng đồng ngư dân bảo vệ, không cho đánh bắt, nhờ vậy, nguồn lợi thủy sản đầm phá dần dần được phục hồi tốt, môi trường sinh thái được cải thiện, sản lượng một số loại cá đặc sản ngày càng tăng cao, đem lại giá trị kinh tế lớn cho cư dân vùng đầm phá.
Sau khi thành lập các khu bảo vệ thủy sản, một số chi hội nghề cá đã chủ động, tự chủ hơn về tài chính qua việc thu phí tự quản ngư trường được giao quản lý xung quanh khu bảo vệ thủy sản và các hoạt động kinh tế cộng đồng khác như rong câu, phí quỹ tín dụng luân chuyển cộng đồng.
Hiện có hai khu bảo vệ đang được xem xét thành lập vào năm 2014 và năm khu vực khác đang khảo sát đề xuất thành lập những năm tiếp theo.