Thảo dược trong phòng, trị bệnh cho thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Xin tư vấn cách sử dụng cây chó đẻ trị bệnh cho tôm?

(Đỗ Văn Năm, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa)

Trả lời:

Diệp hạ châu  hay còn được gọi là cây chó đẻ. Diệp hạ châu thuộc họ Thầu dầu, có 3 loài cây gần giống nhau là diệp hạ châu đắng (Phyllanthus amarus Schum.& Thonn), diệp hạ châu ngọt (Phyllanthus urinaria) và một loại diệp hạ châu nữa là Phyllanthus sp. Nhưng diệp hạ châu đắng là loài có dược tính mạnh nhất và chứa nhiều hoạt chất quan trọng có ích trong việc điều trị bệnh. Theo các nghiên cứu, trong diệp hạ châu có chứa rất nhiều hợp chất có hoạt tính giúp kháng viêm, chống ung thư, bảo vệ gan như: Flavonoids (isovitexin, phyllanthusiin, rutin, quercetin…). Các phức chất phennol (phyllanthin, amariin, repandusinic axit và phyllanthin D). Các nirtetralin, phyltetralin, niranthin; các axit hữu cơ (ascorbic geraniinic, axit amariinic và các loại axit khác); Trong diệp hạ châu đắng cũng chứa sterol như amarosterol-A, amarosterol-B… hay các axit béo bay hơi (linalool, phyltol…). Trong nuôi tôm có thể trộn diệp dạ châu với thức ăn để phòng bệnh bệnh teo gan, đốm trắng và tăng sức đề kháng cho tôm nuôi. Cách sử dụng: Lấy diệp hạ châu mang về đun nước cô đặc và dùng nước cô đặc này trộn vào thức ăn cho tôm. Diệp hạ châu có vị đắng nên bước đầu nên trộn liều lượng ít để tôm quen dần. Liều lượng trộn khoảng 5 g/kg thức ăn. Sau đó tăng lên 8 g/kg thức ăn, cho ăn hàng ngày.

Hỏi: Có thể sử dụng gừng để phòng trị bệnh trong nuôi thủy sản không?

(Nguyễn Văn Cường, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh)

Trả lời:

Gừng là một loài thảo dược quen thuộc thường xuyên được dùng để hỗ trợ tiêu hóa, phòng bệnh… Gừng đã có hiệu quả trong việc kiểm soát các bệnh do vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng trong NTTS nhờ tác dụng kháng khuẩn, chống ôxy hóa, thúc đẩy tăng trưởng và kích thích miễn dịch đối với vật nuôi. Các hợp chất phenolic trong gừng giúp làm giảm kích thích đường tiêu hóa do hội chứng phân trắng gây ra, kích thích sản xuất mật, ức chế co bóp dạ dày khi thức ăn và chất lỏng di chuyển qua đường ruột ở tôm. Đồng thời, gừng cũng có tác động đến các enzyme tiêu hóa của tôm và làm tăng khả năng hoạt động của hệ tiêu hóa. Điều này cho thấy gừng có thể giúp ngăn ngừa và kiểm soát tác động của hội chứng phân trắng trong hệ thống tiêu hóa tôm.

Cách sử dụng: 20 g gừng nghiền nát được trộn với 50 ml chất kết dính thức ăn, sau đó trộn với 1 kg thức ăn. Để khô trong 30 phút ở nơi ít ánh sáng trước khi cho ăn.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!