Tháo gỡ điểm nghẽn để tăng trưởng

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với nhiều nước và khu vực đã mở ra cơ hội rất lớn cho nền kinh tế, trong đó, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực sẽ được hưởng lợi không ít, nhất là thủy sản. Thế nhưng, tận dụng được lợi thế này hay không lại là một câu chuyện khác.


Nhập khẩu các mặt hàng thủy sản từ Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức

Tận dụng cơ hội

Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 16 FTA, trong đó có 12 FTA đã được thực thi. Với CPTPP (có hiệu lực từ tháng 1/2019), gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có thủy sản vào các nước thành viên trong Hiệp định này sẽ được xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu ngay lập tức hoặc theo lộ trình ngắn. Cùng đó, việc hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế trong Hiệp định song phương Việt Nam – Nhật Bản (VJFTA) trong năm 2019 cũng được đánh giá là cơ hội để thủy sản Việt Nam chiếm thị phần tại đất nước Mặt trời mọc. Bởi, thuế nhập khẩu tất cả các mặt hàng thủy sản từ Việt Nam vào Nhật Bản đã được đưa về 0%.

Ngoài ra, với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết cũng là cơ hội lớn. Bởi, khi Hiệp định này đi vào thực thi sẽ là lực đẩy rất lớn cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường EU, khi có tới 90% số dòng thuế được cam kết cắt giảm về 0% trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, liệu có dễ để cho thủy sản nước ta hội nhập? Câu trả lời là “không”, bởi mặc dù thuế suất giảm, thế nhưng điều kiện để sản phẩm thủy sản “lọt” qua cửa hải quan những nước này lại không đơn giản.

Với mặt hàng tôm, tại bàn tròn thủy sản năm 2018, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, tại EU, tương lai tôm Việt Nam xuất khẩu thị trường này chưa rõ ràng. Tại Nhật Bản, 100% lô hàng tôm Việt Nam đều bị kiểm tra, thay vì 30% như thường lệ. Cùng đó, ở thị trường Australia, mặt hàng tôm sống vẫn bị cấm cửa, các sản phẩm khác có những quy định nghiêm ngặt… Trong khi ở trong nước, việc thiếu chuỗi liên kết khiến người nuôi tôm và cá tra gần như tự làm và tự chịu khi thị trường không ổn, điển hình là giá cá tra thương phẩm và cá tra giống giảm mạnh trong thời gian vừa qua, người nuôi lại ôm nợ. Và người nuôi tôm cũng đang đứng ngồi không yên khi vụ thu hoạch chính đang đến gần nhưng giá tôm lại xu hướng đi xuống.

Theo một số chuyên gia, thách thức của ngành thủy sản Việt Nam là quy hoạch và kiểm soát quy hoạch trong cả chuỗi còn thiếu đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng cũng như khả năng cạnh tranh. Giá thành sản xuất cao khiến giá xuất khẩu không cạnh tranh. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa đủ khả năng kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất nguyên liệu từ con giống cho tới quy trình sản xuất, thu hoạch và chế biến… Đây là những điểm yếu cố hữu và là rào cản lớn khiến thủy sản Việt Nam gặp khó khi ra thế giới.

Gỡ bỏ rào cản

Rất khó để nói trước kết quả sau chuyến làm việc của Ủy ban châu Âu (EC) với ngành thủy sản Việt Nam dự kiến vào tháng 10 tới đây, bởi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa, nhưng vẫn còn nhiều khuyến nghị của EC chúng ta chưa làm được, và có những khuyến nghị ngay cả người trong cuộc cũng không dám chắc sẽ hoàn thành.

Cụ thể, quy trình thực hiện xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác theo quy định IUU vẫn bị vướng vì những bất cập cũng như thiếu đồng bộ giữa quy định, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật tại các đơn vị thực hiện, đặc biệt là cảng cá. Hơn nữa, việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn cao. Theo thống kê, 5 tháng đầu năm, cả nước vẫn có 41 vụ/69 tàu/271 ngư dân vi phạm. Các tỉnh có nhiều tàu cá vi phạm là Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Bến Tre, Cà Mau, Bình Thuận…

Để xảy ra tình trạng này, đại diện cơ quan chức năng nhiều địa phương cho rằng họ gặp khó trong quản lý, bởi tàu cá lâu ngày không về tỉnh, do xuất bến và cập cảng ở nơi khác nên không thể “quản” được… Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nhiều địa phương chưa xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng để tập trung chỉ đạo, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai giải pháp chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Điều này không khó để hiểu, bởi nếu các địa phương thực sự gắt gao thì khó còn tình trạng nhiều tàu cá vô tư khai thác bất hợp pháp hay vi phạm quy định. Và nếu thực hiện đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu địa phương để xảy ra vi phạm phải chịu trách nhiệm thì có lẽ sự việc sẽ triệt để hơn.

Đây là điểm nghẽn rất lớn của ngành thủy sản cần cấp bách tháo gỡ, nếu không, có thể hải sản Việt Nam sẽ hết cửa sang thị trường châu Âu; và hệ lụy của nó sẽ không chỉ dừng lại đó.

>> Trong một lần trả lời báo chí, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, ký được Hiệp định có nghĩa chúng ta đã thông được thị trường. Và khi thị trường đã thông thì phải thoáng về cơ chế. Bởi nếu cơ chế mà trói buộc thì doanh nghiệp sẽ bị bó chân, bó tay, thủ tục phiền toái sẽ rất khó cho doanh nghiệp.

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!