(TSVN) – Sáng 29/11, tại Hải Phòng, Hội Thủy sản Việt Nam tổ chức Hội thảo “Những khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục trong việc thực hiện các quy định về hợp quy thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản”.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Dương Long Trì, Phó Tổng thư ký Hội Thủy sản Việt Nam cho biết, theo thống kê của Cục Thủy sản, tính đến tháng 10 năm 2023 có 764 cơ sở sản xuất thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, trong đó: 119 cơ sở sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài; 654 cơ sở sản xuất có vốn đầu từ trong nước.
Toàn cảnh buổi Hội thảo
Tổng số lượng sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đến nay là 36.414 sản phẩm, đã khai báo thông tin lên hệ thống quản lý quốc gia về thủy sản, trong đó: Sản phẩm nhập khẩu: 2.839 mã sản phẩm (2.254 sản phẩm thức ăn thủy sản, 484 sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, 101 sản phẩm sử dụng cho 2 mục đích thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; Sản phảm sản xuất trong nước: 33.595 sản phẩm (17.415 sản phẩm thức ăn thủy sản (thức ăn hỗn hợp và thức ăn bổ sung), 14.302 sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và 1.868 sản phẩm sử dụng cho 2 mục đích làm thức ăn và xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
Đánh giá về những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện các quy định về hợp quy thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, ông Trì cho biết, hệ thống văn bản quản lý để thực hiện hợp quy và quản lý thực hiện hợp quy thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản rất đầy đủ, phân cấp rõ từ Trung ương đến địa phương.
Ông Dương Long Trì, Phó Tổng thư ký Hội Thủy sản Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Việc công bố hợp quy được thực hiện tại địa phương có hoạt động sản xuất sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện các quy định về hợp quy thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản.
Các hoạt động thực hiện trước khi lưu thông sản phẩm trên thị trường (trong đó có việc hợp quy sản phẩm) chủ động, việc khai báo thông tin sản phẩm trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản ứng dụng kỹ thuật số, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở trong hoạt động sản xuất kinh doanh thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản.
Ông Hà Văn Huy, Phó Trưởng phòng Giống và Thức ăn Thủy sản (Cục Thủy sản) phát biểu tại Hội thảo
Ông Hà Văn Huy, Phó Trưởng phòng Giống và Thức ăn Thủy sản (Cục Thủy sản) nhấn mạnh, cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện chứng nhận và công bố hợp quy bởi đây là điều kiện tiên quyết và bắt buộc để sản phẩm được phép lưu hành trên thị trường Việt Nam giúp giảm thiểu rủi ro pháp lý: doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản kiểm soát được chất lượng sản phẩm, công bố hồ sơ hợp quy sản phẩm tại cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó giảm thiểu rủi ro về pháp lý hoặc các chi phí liên quan nhờ tuân thủ đúng quy định Việt nam. Đồng thời, khẳng định chất lượng sản phẩm; Nâng cao uy tín, lợi thế cạnh tranh, tạo dựng lòng tin từ khách hàng, giúp nâng cao thương hiệu của nhà sản xuất; Thể hiện cam kết của doanh nghiệp về bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Tại Hội thảo, ông Đoàn Quốc Khánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Khoa học Sabio cho biết, một số chỉ tiêu kim loại quy định chỉ có một đến hai phương pháp thử cố định, trong khi có rất nhiều phương pháp tương đương, hoặc tiên tiến hơn lại không được áp dụng, gây khó khăn cho tổ chức chứng nhận trong trường hợp kiểm nghiệm đối chứng, kiểm nghiệm lại. Vì vậy, ngoài các phương pháp thử quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, chấp nhận các phương pháp thử nghiệm khác đã đăng ký hoặc chỉ theo quy định của pháp luật. Hay hiện nay có nhiều sản phẩm vừa là thức ăn bổ sung vừa là xử lý môi trường nhưng phương pháp cho cùng một chỉ tiêu khác nhau, lấy mẫu khác nhau cho cùng một sản phẩm cho kết quả khác nhau, gây khó khăn không cần thiết cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Đối với doanh nghiệp, nhãn sản phẩm có nhiều thông tin không đúng theo quy định, tiêu chuẩn cơ sở sản phẩm xây dựng không đúng, không thực hiện công bố hợp quy… Gây khó khăn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính và khó khăn cho cơ quan quản lý.
Theo bà Nguyễn Phương Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Manna Đất Vàng, doanh nghiệp mong muốn quá trình đăng ký, công bố sản phẩm, đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng có sự hỗ trợ, hướng dẫn của cơ quan chức năng như việc tăng cường đội ngũ cán bộ thực hiện hướng dẫn cho các doanh nghiệp trên địa bàn về công bố hợp quy thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường thủy sản; Thường xuyên tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về thực hiện công bố hợp quy thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản tới các doanh nghiệp.
Bàn về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về hợp quy trong thời gian tới, ông Dương Long Trì, Phó Tổng thư ký Hội Thủy sản Việt Nam cho biết, về tổ chức thực hiện pháp luật về hợp quy thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam: Thứ nhất, các cơ quan quản lý địa phương cần tăng cường đội ngũ cán bộ thực hiện hướng dẫn cho các doanh nghiệp trên địa bàn về công bố hợp quy thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
Thứ hai, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về công bố hợp quy thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Cục Thủy sản giữ vai trò trọng tài khi có tranh chấp về chất lượng sản phẩm, là đơn vị tham chiếu quốc gia và khu vực. Nâng cao hơn nữa năng lực kiểm nghiệm chất lượng thức ăn chăn nuôi ở các phòng thử nghiệm, chú trọng nhu cầu đánh giá, phát hiện vi phạm các chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu vệ sinh an toàn sản phẩm.
Thứ ba, các cơ quan quản lý chuyên môn từ Trung ương đến địa phương cần thường xuyên cập nhật dữ liệu về tình hình công bố hợp quy về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
Thứ tư, cần thường xuyên tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về thực hiện công bố hợp quy thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
Thứ năm, song song với việc quản lý về công bố hợp quy các sản phẩm, các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương cần nghiên cứu về việc hướng dẫn cho các doanh nghiệp thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng sản phẩm.
Cũng theo ông Trì, các Chi hội Thủy sản ở địa phương cần thường xuyên theo dõi tình hình công bố hợp quy thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản tại địa phương của các doanh nghiệp, những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện công bố hợp quy; Những nội dung thuộc về quản lý nhà nước về việc công bố hợp quy để có tham mưu cho cơ quan quản lý về nuôi trồng thủy sản về quản lý thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Cần có những cuộc hội nghị, hội thảo để tổng hợp các ý kiến của các bên nhằm thực hiện tốt vai trò phản biện về các chính sách liên quan đến công bố hợp quy thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để có thể phản ánh với cơ quan quản lý nhà nước, thay đổi chính sách cho phù hợp.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Hội Thủy sản Việt Nam đề nghị Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tiếp tục bố trí các điều kiện để Hội thực hiện các nhiệm vụ phản biện chính sách đối với các hoạt động quản lý giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Đề nghị Cục Thủy sản nghiên cứu có thể phối hợp với Hội Thủy sản trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật trong việc thực hiện công bố hợp quy; công bố tiêu chuẩn cơ sở áp dụng đối với thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và các quy định liên quan.
Vũ Mưa
>> Theo thống kê của Cục Thủy sản, hiện có 19 tổ chức chứng nhận hợp quy đã đăng ký và được chứng nhận hoạt động hoặc chỉ định trong lĩnh vực hợp quy, kiểm tra chất lượng sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản. Đây là một cơ sở dồi dào để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản thuận lợi trong việc lựa chọn và sử dụng tổ chức chứng nhận hợp quy phù hợp với cơ sở.