Tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP cho biết, do thời gian trước, DN thủy sản phát triển quá nhanh về lượng nên nay gặp khó khăn đã bộc lộ điểm yếu về chất. Theo ông Dũng, do đặc thù của ngành hầu hết là dân doanh, thường không đủ khả năng tài chính, vì thế luôn phải vay ngân hàng, nhưng lại có nhiều bất cập trong quản trị nguồn vốn. Nhiều DN dùng vốn vay ngắn hạn để đầu tư nuôi trồng dài hạn, lúc thuận lợi nhiều DN đầu tư quá lớn, vượt khả năng sản xuất – kinh doanh, thậm chí có DN đầu tư ra ngoài lĩnh vực như bất động sản, các DN mới thành lập sau này không tập trung vào công tác quản trị, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chỉ chú trọng khai thác thị trường bằng các sản phẩm đơn điệu. Vì thế, khi ngân hàng xiết chặt tín dụng, thị trường xuất khẩu giảm sút, DN rơi vào tình trạng khó khăn. Khó khăn của DN là thiếu nguyên liệu, thiếu vốn, chi phí đầu vào tăng, thị trường xuất khẩu giảm, khả năng cạnh tranh sản phẩm thấp… Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP cho rằng, đây là những khó khăn không mới, nhưng đang tăng đến mức độ trầm trọng. Thống kê từ VASEP cho biết, có đến 40% DN chế biến, kinh doanh thủy sản đang ngưng hoạt động; chỉ trong quý I/2012, từ 800 DN chỉ còn khoảng 470 DN hoạt động.
Tuy vậy, trong khó khăn như trên vẫn có không ít DN hoạt động sản xuất – kinh doanh hiệu quả, đang vượt khó nhờ đã tự tái cấu trúc lại hoạt động, như tự đầu tư vùng nuôi, cơ cấu lại chiến lược thị trường, cơ cấu lại sản phẩm, thay dổi phương thức quản trị… Đã có đến ½ DN chế biến xuất khẩu cá tra xây dựng được vùng nuôi cá tra riêng, DN chế biến tôm xuất khẩu đã có diện tích tự nuôi trồng tôm hay liên kết với nông dân đạt đến hàng ngàn ha và số lượng ngày càng tăng. Cũng đã có DN tự xây dựng nguồn nguyên liệu đầu vào qua việc đầu tư vào đội tàu đánh bắt xa bờ… VASEP cho biết, nhờ đã tái cơ cấu kịp thời nên 20 DN tôm lớn chiếm 67% kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước đang trong tình trạng ổn định. Những tên tuổi đang tích cực vượt khó hiệu quả là Vĩnh Hoàn, Hùng Vương… Họ tái cấu trúc lại vì quyền lợi của chính mình, không vì thành tích. Trong chuyến khảo sát thủy sản vùng ĐBSCL mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Danh dự của VASEP cũng cho rằng, đang có rất nhiều DN thủy sản trong khu vực đang trong quá trình sắp xếp lại hoạt động để thích nghi với tình hình mới và có hoạt động ổn định.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên phát biểu trong hội nghị
Tuy nhiên, trước mắt, để tháo gỡ khó khăn cho DN, đưa họ trở lại hoạt động, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, Bộ đã cùng Bộ NN-PTNT làm việc với ngành ngân hàng tìm cách tháo gỡ vốn cho DN và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã đồng ý triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ như xây dựng cơ chế gia hạn nợ vay cho DN, hỗ trợ vốn cho việc nuôi cá tra, DN được khoanh nợ để vay vốn lưu động… VASEP cho biết, dự kiến mức hỗ trợ cho cá tra cũng lên đến 5 ngàn tỷ đồng. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, nhânsự đồng ý này của VDB,VASEP cũng nên làm việc tiếp với các ngân hàng khác để tìm thêm nguồn hỗ trợ về vốn cho DN, vì việc hỗ trợ này cũng nằm trong gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng của Chính phủ theo Nghị quyết 13. Thứ trưởng nhấn mạnh, vai trò của VASEP trong vấn đề này rất quan trọng, nhất là đối với các DN thành viên, DN có thị trường, có đầu ra. Trong tháo gỡ khó khăn về các loại phí, thuế, chưa hợp lý như phí kiểm dịch, thuế đánh lên bao ny lon…, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết, Bộ đã kiến nghị xem xét lại việc đánh thuế lên túi nylon, không chỉ riêng cho ngành thủy sản mà còn cả cho các ngành xuất khẩu khác.
Đối với việc tụt giảm lượng các DN xuất khẩu thời gian gần đây, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho rằng, ngành phải chấp nhận việc sàng lọc này để chỉ tồn tại các DN có năng lực và giúp ngành phát triển ổn định hơn. Về thị trường xuất khẩu, theo Thứ trưởng, các DN nên hợp sức lại giữ vững và tiếp tục khai thác thị trường EU, do giá sản phẩm thủy sản Việt Nam đang hợp với sức mua của thị trường này và đây cũng là mặt hàng được người tiêu dùng EU ưa chuộng. Không nên vì khó khăn trước mắt mà bỏ thị trường EU rồi tập trung vào thị trường Mỹ. Vì Mỹ đang đưa ra nhiều biện pháp quản lý chặt hơn mặt hàng thủy sản nhập khẩu, nhất là cá da trơn. Về kinh phí xúc tiến thương mại, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết, trong năm 2012, dù kinh phí này đã cắt giảm nhiều, nhưng Bộ vẫn sẽ ưu tiên cho VASEP. Điều quan trọng là các DN phải tăng tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản phẩm, cải thiện hình ảnh cá tra, tôm tại các thị trường quan trọng.
Tuy nhiên, tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng, các biện pháp hỗ trợ trên chỉ là giải cứu tạm thời, lời giải ổn định lâu dài cho ngành, cho DN là phải tái cấu trúc lại hoạt động của ngành, nhất là từ trong các DN. Tái cấu trúc để hình thành mới một đội ngũ DN thủy sản có sức cạnh tranh cao, phát triển bền vững, ứng phó được với các biến động của thị trường.
Theo đó, DN phải tự đánh giá lại một cách trung thực về năng lực, không dựa trên bức xúc, khó khăn nhất thời, để có kế hoạch tốt hơn, tầm nhìn lâu dài hơn. Ông Dũng cho rằng, quan trọng nhất là nên tái cấu trúc lại phương thức quản trị, phải chuyển đổi sang chế độ quản lý bài bản hơn, khoa học hơn, không theo kinh nghiệm như từ trước đến nay. Quản trị tốt sẽ tác động tích cực đến mọi lĩnh vực khác của DN như nguồn nguyên liệu, nguồn vốn, sản phẩm, thị trường… Song muốn quản trị tốt, trước hết phải thay đổi tư duy của chủ DN, nếu được nên truyền đạt, chuyển giao cho thế hệ trẻ, con cháu, vì lực lượng này đang có nhận thức mới, được đào tạo bài bản sẽ đưa hoạt động của DN thích ứng được với tình hình mới.
Mặt khác, ngành ngân hàng cũng nên tái cấu trúc lại mối quan hệ với DN thủy sản, không tiếp tục giữ quan hệ qua hình thức ‘xin vay” như hiện nay. Và ông Dũng cũng thừa nhận, chính VASEP cũng sẽ phải tự tái cấu trúc lại các hoạt động trong hỗ trợ DN thành viên trong thời gian tới./.
Ngọc Long
Theo Báo Kinh Tế Việt Nam