Tháo gỡ thách thức cho thủy sản Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 21/3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Đáp ứng tiêu chuẩn – Chiếm lĩnh thị trường: Giải pháp tháo gỡ thách thức đối với chuỗi giá trị thủy sản trong việc tuân thủ các Tiêu chuẩn Thương mại”. Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (IDE – JETRO) phối hợp tổ chức.

Năm 2012, thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu sang 156 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá trị đạt hơn 6,1 tỷ USD; đứng thứ năm trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế. Tuy nhiên, thủy sản Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn về vấn đề ATTP, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận chất lượng sản phẩm…

Nghiên cứu mới nhất của UNIDO, xuất khẩu cá và thủy sản của Việt Nam đạt kim ngạch 4,2 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 4% GDP của cả nước. Hơn 4 triệu người trực tiếp làm việc và khoảng 10% dân số có thu nhập chính từ ngành thủy sản. Tuy nhiên, Việt Nam lại nằm trong top ba nước có lượng hàng thủy sản bị từ chối nhập khẩu lớn nhất thế giới. Tổn thất tài chính từ các vụ việc này tới khoảng 14 triệu USD/năm.


Thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển (IDS), Sussex, Vương quốc Anh cho thấy, Việt Nam chiếm tỷ lệ cao trong số vụ từ chối nhập khẩu ở cả 4 thị trường (EU, Mỹ, Nhật Bản, Australia). Cụ thể, giai đoạn từ 2006 – 2010, tỷ lệ từ chối sản phẩm này vào thị trường Mỹ là 14,21%, đứng thứ hai sau Trung Quốc 14,3%, với các lý do về dư lượng thuốc thú y, nhiễm khuẩn, nhiễm kim loại nặng… Tính trung bình theo 1 triệu USD tiền hàng nhập khẩu ở thị trường Nhật Bản và Mỹ, Việt Nam đứng thứ hai (sau Trung Quốc) về tỷ lệ trung bình bị giữ lại đối với cá và thủy sản. Ở thị trường Australia, tỷ lệ từ chối ở vị trí thứ ba sau Trung Quốc và Nhật Bản.

Ông Steffen Kaeser, Trưởng Bộ phận Chất lượng, tiêu chuẩn và phù hợp (QSC) UNIDO cho biết: Có rất nhiều chứng chỉ cho sản phẩm xuất khẩu ở thị trường khác nhau, Việt Nam cần tổng hợp để có một tiêu chuẩn chung áp dụng hài hòa giữa các nhà nhập khẩu; doanh nghiệp cần tuân thủ đúng các yêu cầu đã được đề ra trong quá trình xuất khẩu.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng NAFIQAD khẳng định: Tiêu chuẩn ATTP đối với sản phẩm thủy sản ngày càng khắt khe, vì thế mỗi doanh nghiệp phải tập trung theo tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu; nâng cao ý thức, trách nhiệm, công nghệ cho người nuôi khi sử dụng hóa chất trong ngưỡng an toàn, đây cũng là gốc của việc xuất khẩu đối với chuỗi giá trị thủy sản.

>> Các chuyên gia quốc tế tham dự Hội thảo khuyến cáo, Việt Nam nên thiết lập các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và thông tin cho nông dân để họ nắm vững hơn những yêu cầu của thị trường nhập khẩu cũng như sử dụng hợp lý thuốc và hóa chất. Bên cạnh đó, cần có các chính sách hỗ trợ thiết thực đối với các doanh nghiệp, thúc đẩy mở rộng các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi, nhằm nâng cao giá trị và chất lượng của thủy sản Việt Nam.

Thảo Dương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!