Tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 5029/VPCP-TH gửi Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp thủy sản.

Cụ thể, Văn phòng Chính phủ có Báo cáo số 2542/BC-VPCP ngày 30/6/2024, trong đó tóm tắt bài viết VASEP kiến nghị tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp thủy sản, đăng trên một số cơ quan báo chí.

Thời gian cấp Giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) của các cảng cá kéo dài gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: ST

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao các Bộ: Tài chính, NN&PTNT theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nắm bắt thông tin báo chí phản ánh; rà soát nội dung kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam và khẩn trương xử lý theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2024.

Nội dung các bài báo nêu ra việc VASEP kiến nghị gỡ 3 vướng mắc cho doanh nghiệp, ngư dân, gồm: Quy định áp trần chi phí lãi vay; thủ tục cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác kéo dài; quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản.
Theo đó, trong báo cáo tình hình, kết quả hoạt động quý II và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý III, IV năm 2024, VASEP đã nhận diện những khó khăn, vướng mắc các doanh nghiệp thủy sản gặp phải.

VASEP cho rằng, vướng mắc đầu tiên đối với doanh nghiệp là vấn đề áp trần chi phí lãi vay. Việc quy định giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, từ đó áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong các năm đầu khi mới đầu tư. Đồng thời sẽ khiến doanh nghiệp không có đủ tiềm lực hoặc ngại đầu tư, đổi mới công nghệ.

VASEP kiến nghị sửa đổi lại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP để hủy bỏ quy định coi giao dịch đi vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, giúp doanh nghiệp không phải bị áp trần chi phí lãi vay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Cùng đó, sửa đổi lại quy định các đối tượng không thuộc phạm vi áp trần chi phí lãi vay tại diểm c, khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP như tổ chức tín dụng, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán,… để các doanh nghiệp sản xuất không phải chịu áp mức trần của tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp chế biến thủy sản, VASEP kiến nghị Bộ Tài chính xem xét sớm đưa vào văn bản quy phạm pháp luật việc xác định rõ hoạt động chế biến thủy sản là “hoạt động chế biến” để thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp theo tinh thần văn bản số 2550/BTC-TCT ngày 12/3/2021 và văn bản số 9494/BTC-VP ngày 6/9/2023 của Bộ Tài chính.

Về thời gian cấp Giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) của các cảng cá. VASEP cho biết, hiện nay việc cấp S/C tại các cảng cá sau khi doanh nghiệp đưa nguyên liệu về nhà máy ở nhiều nơi đang kéo dài và mất rất nhiều thời gian, thậm chí hàng tháng hoặc nhiều lô đến 2 – 3 tháng, ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Vì vậy, VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét thay đổi quy định về cách tiếp cận trong việc xác nhận Giấy xác nhận nguyên liệu (S/C) tại cảng cá trong quy trình xác nhận truy xuất nguồn gốc IUU hiện nay. Đó là cấp giấy S/C ngay cho chủ hàng khi chủ hàng đã hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu có sự giám sát của nhân viên cảng về chủng loại, khối lượng,… tại cảng cá. Việc này là mấu chốt giải quyết nhiều bất cập, nút thắt hiện nay trong quá trình truy xuất nguồn gốc, kiểm soát IUU.

VASEP cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT rà soát lại các quy định kích thước khai thác tối thiểu tại Phụ lục V, Nghị định số 37/2024; xem xét để điều chỉnh phù hợp lại thông số quy định này với một số loài thông dụng trên; báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi phù hợp quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên, trong đó đề xuất khung tiếp cận như Nghị định 26/2019/NĐ-CP.

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!