T2, 06/07/2020 02:00

Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Luật Thủy sản 2017

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 28/11/2019, Bộ NN&PTNT có Công văn số 8942/BNN-TCTS trả lời kiến nghị của Hội Nghề cá Việt Nam về một số vướng mắc trong thực hiện Luật Thủy sản 2017.

Về tàu cá

Vấn đề chuyển đổi phương thức quản lý tàu cá từ công suất (CV) sang chiều dài (m) và cấp hạn ngạch khai thác cho tàu cá, Bộ NN&PTNT trả lời:

Trong quá trình xây dựng Luật Thủy sản, Bộ NN&PTNT đã tổ chức nghiên cứu quy định về an toàn kỹ thuật tàu biển của FAO và quy định của một số nước về quản lý tàu cá và tham khảo ý kiến của Ủy ban châu Âu (EC). Theo đó, tàu biển, tàu cá được quản lý một trong hai tiêu chí là chiều dài hoặc trọng tải của tàu. Để phù hợp với hiện trạng của Việt Nam, Luật Thủy sản đã quy định quản lý theo chiều dài tàu và quy định này nhận được sự đồng thuận của EC.

Cùng đó, sau khi cấp hạn ngạch giấy phép tại vùng khơi, một số địa phương có ý kiến về tàu cá có chiều dài nhỏ hơn 15 m, công suất từ 90 CV trở lên không dược cấp hạn ngạch khai thác tại vùng khơi.

Để giải quyết được vấn đề thực tiễn phát sinh nêu trên, Bộ đã tổ chức cuộc họp với các địa phương ven biển và thống nhất giải pháp thực hiện; Bộ đã ban hành văn bản đề nghị UBND 28 tỉnh ven biển rà soát, thông báo cho chủ tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên nhưng chiều dài lớn nhất dưới 15 m đăng ký nhu cầu cải hoán tàu cá để đủ điều kiện hoạt động tại vùng khơi theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP, tiến hành cấp văn bản chấp thuận cải hoán cho chủ tàu có nhu cầu để tiến hành cải hoán tàu cá theo quy định; cấp giấy phép khai thác thủy sản cho chủ tàu khi tàu cá đã đủ điều kiện theo quy định trong số hạn ngạch giấy phép đã được giao. Các địa phương báo cáo Bộ xem xét, cấp bổ sung hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản; thời hạn báo cáo đề nghị cấp bổ sung hạn ngạch trước ngày 31/12/2019. Đối với tàu cá thuộc trường hợp này, nếu Giấy phép khai thác còn hạn thì tiếp tục được thực hiện đến khi hết thời hạn của Giấy phép.

Đối với trường hợp tàu cá có chiều dài lớn hơn 15 m nhưng có công suất nhỏ dưới 90 CV: Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 105 Luật Thủy sản và khoản 4 Điều 73 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP. Tàu cá thuộc trường hợp này nếu Giấy phép khai thác còn hạn thì tiếp tục được thực hiện đến khi hết thời hạn của Giấy phép. Trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu cải hoán để đủ điều kiện hoạt động tại vùng khơi thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ cấp văn bản chấp thuận cho cải hoán tàu cá theo hướng nâng cấp máy tàu để phù hợp hoạt động tại vùng khơi theo quy định. Trường hợp tổ chức, cá nhân không có nhu cầu khai thác tại vùng khơi thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ xem xét để cho phép thực hiện cải hoán để phù hợp với điều kiện hoạt động tại vùng lộng.

Đối với khó khăn trong việc giao hạn ngạch khai thác tại vùng bờ và vùng lộng: Bộ NN&PTNT đã hướng dẫn các địa phương thực hiện theo hướng giao hạn ngạch khai thác tại vùng bờ và vùng lộng trên cơ sở thống kê số lượng tàu cá hiện có tại địa phương để đảm bảo ổn định hoạt động khai thác thủy sản của người dân trong 5 năm tới.

Cần tăng cường đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng – Ảnh: CTV

 

Về trang thiết bị

Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị sớm công bố danh mục chủng loại các thiết bị giám sát hành trình đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật…; đồng thời, đề nghị nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và phí thuê bao năm đầu cho các tàu cá từ 15 m trở lên. 

Về điều này, ngày 4/5/2019, Bộ NN&PTNT (Tổng cục Thủy sản) đã có Thông báo số 1008 (TB-TCTS-TTTS về việc cung cấp thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá), trong đó có nêu rõ về định dạng kết nối cơ sở dữ liệu và các quy định tại Điều 44 Nghị định số 26/NĐ-CP. Như vậy, đơn vị nào có thiết bị đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 44 Nghị định 26 và kết nối được với phần mềm được định dạng kết nối sẽ tham gia thực hiện thí điểm tại các địa phương. Đến nay, đã có 7 đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình gồm: Viettel, VNPT, Zunibal, Vishipel, Bình Anh, Elcom, Viện Hàn Lâm… cung cấp thiết bị cho người dân. Cùng đó, trước mắt, chủ tàu phải tự trang bị thiết bị giám sát hành trình và phí thuê bao cho việc sử dụng thiết bị. Các địa phương cân đối được ngân sách có thể ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình hoặc kinh phí thuê bao cho chủ tàu cá tại địa phương theo quy định.

Cũng trong công văn này, Bộ NN&PTNT đã trả lời về các kiến nghị cần tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống cảng cá, tổ chức nạo vét luồng lạch ra vào cảng để có nhiều cảng cá đủ khả năng cho tàu cập cảng, đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạt động đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm; nâng cao năng lực quản lý cảng cá; nghiên cứu mô hình xã hội hóa trong quản lý cảng cá…

Bên cạnh đó, Bộ cũng giải đáp thắc mắc của Hội về việc tổ chức quản lý, xác nhận nguồn gốc sản lượng thủy sản khai thác, quản lý tàu cá xuất, nhập bến của Ban quản lý cảng cá…

 

Đào tạo thợ máy

Về vấn đề này, hiện Bộ đang nghiên cứu, rà soát để xử lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân trong giai đoạn hiện nay để người dân chuẩn bị điều kiện thực hiện theo quy định. Hiện nay, các cơ sở đào tạo đang phối hợp với địa phương tiếp tục tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ cho người dân, theo thống kê từ các địa phương kể từ ngày Thông tư số 22/2019/TT-BNNPTNT có hiệu lực đến nay đã có khoảng 4.000 thợ máy được bồi dưỡng và cấp chứng chỉ thợ máy. Để góp phần đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển, chủ tàu có chiều dài từ 15 m trở lên khẩn trương cử người tham dự lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ thợ máy theo quy định.

 

Xử phạt hành chính

Về vấn đề xử phạt đối với tổ chức, cá nhân theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP: Bộ NN&PTNT cho rằng, theo khuyến nghị của EC, mức xử phạt phải được quy định để đảm bảo tính răn đe, người dân khi nhìn thấy mức phạt như vậy sẽ từ bỏ ý định vi phạm. Hiện nay, mặc dù mức phạt tiền trong Nghị định đã được quy định cao so với trước, tuy nhiên, EC vẫn bảo lưu ý kiến và cho rằng một số hành vi khai thác IUU mức phạt vẫn rất thấp, không đảm bảo yêu cầu để răn đe tổ chức, cá nhân thực hiện khai thác IUU.

Cùng đó, Bộ NN&PTNT cũng thông tin thêm, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, rà soát hoạt động nuôi cá tra; chỉ đạo địa phương quản lý chặt chẽ chất lượng giống, thức ăn cá tra và đẩy mạnh tuyên truyền tiêu thụ nội địa; tăng cường công tác kiểm tra điều kiện cơ sở, xác nhận đăng ký nuôi phục vụ cho công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo đúng quy định. Hơn nữa, hiện nay người dân và doanh nghiệp vay vốn đã được hưởng ưu đãi, đặc biệt là quy định cho vay không cần tài sản đảm bảo nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận vốn tín dụng. Căn cứ vào các quy định, người dân có thể liên hệ trực tiếp với ngân hàng và các tổ chức tín dụng để được hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục vay vốn theo quy định.

Phạm Thu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!