(TSVN) – Quảng Ngãi là một trong những địa phương có nghề cá rất phát triển, ngành thủy sản đóng vai trò lớn trong phát triển kinh tế của tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực khai thác thủy sản. Do ngư trường rộng, số lượng tàu thuyền lớn nên tỉnh đã có nhiều chính sách quản lý rất chặt chẽ, nhờ vậy đã giải quyết được nhiều vấn đề trong việc gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu u (EC). Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Đình Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi về các vấn đề này.
Ngành thủy sản hiện vẫn đang nỗ lực để tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Với tỉnh Quảng Ngãi, công tác khắc phục “thẻ vàng” của tỉnh trong thời gian qua như thế nào, thưa ông?
Ông Phùng Đình Toàn: Trước năm 2018, tình hình ngư dân Quảng Ngãi xâm nhập vùng biển nước ngoài rất nhiều, nhất là các quốc đảo Thái Bình Dương. Nhưng từ khi thực hiện Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc nên từ cuối năm 2017, đầu năm 2018 đến nay không còn một tàu cá và ngư dân nào của Quảng Ngãi xâm phạm các vùng biển nước ngoài.
Thứ hai, nhận thức của cán bộ và ngư dân Quảng Ngãi về tác hại của “thẻ vàng” rất rõ, nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của ngư dân nên ngư dân chấp hành các quy định Luật Thủy sản 2017 và các quy định khác liên quan tích cực hơn so với trước.
Vậy trong quá trình thực hiện gỡ “thẻ vàng”, tỉnh có những khó khăn vướng mắc gì, thưa ông?
Ông Phùng Đình Toàn: Khó khăn lớn nhất của Quảng Ngãi trong việc tháo gỡ “thẻ vàng” là hạ tầng nghề cá không đảm bảo. Tỉnh Quảng Ngãi được Bộ NN&PTNT chỉ định 7 cảng cá để tàu cá cập bến. Thế nhưng, 7 cảng cá này gần như không đáp ứng các tiêu chí cảng cá loại II theo quy định của Luật Thủy sản. Sức chứa và năng lực bốc dỡ của các cảng này rất hạn chế, nên theo mùa vụ cùng một lúc nhiều tàu cá vào cập cảng thì thời gian bốc dỡ thủy sản bị chậm, ảnh hưởng giá cả và thu nhập của bà con. Thế nên, hiện nay nhiều tàu không vào cảng bán cá mà cập các bến tư nhân, làm cho cơ quan chức năng không quản lý được sản lượng cá lên cảng.
Bất cập hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão đặt ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa khắc phục được. Theo ông, nguyên nhân nào kéo dài tình trạng này?
Ông Phùng Đình Toàn: Hệ thống cảng cá loại I, loại II theo quy định là Trung ương đầu tư 100%, nhưng lâu nay chắc do nguồn lực của Trung ương có hạn nên đầu tư nhỏ giọt, hầu như các cảng cá chỉ được đầu tư giai đoạn I ở các cầu cảng, còn lại nhà điều hành, nhà phân loại cá, hệ thống cơ giới hóa bốc dỡ… gần như chưa được đầu tư. Vấn đề này chúng tôi đã báo cáo và Bộ NN&PTNT cũng đã biết.
Có thể nói, bến cá tư nhân hiện hoạt động khá hiệu quả, vậy sao vấn đề đầu tư hệ thống cảng cá không thực hiện xã hội hóa, thưa ông?
Hiện nay, cũng có một số doanh nghiệp dự kiến đầu tư cảng cá, bến cá, nhưng lại có nhiều vướng mắc. Một là do mặt bằng, hai là do tranh chấp của người dân sở tại. Bởi hiện gần như không có đất “sạch” để đầu tư cảng cá, bến cá, khu neo đậu trú bão, còn trên bờ thì đã có nhà dân, có bến bãi tàu thuyền của ngư dân, mặt nước là ao nuôi của ngư dân… Nên có thể nói là khó có quỹ đất để doanh nghiệp vào đầu tư.
Một vấn đề nữa trong quá trình tháo gỡ “thẻ vàng” là việc lắp đặt thiết bị hành trình giám sát tàu cá. Hiện nay, tiến độ lắp đặt của tỉnh Quảng Ngãi thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Phùng Đình Toàn: Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 3.348 tàu cá có chiều dài 15 m trở lên thuộc đối tượng lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đến nay, chúng tôi đã lắp đặt được 2.680 chiếc, đạt 80%, còn 20% rơi vào tàu làm nghề lưới kéo. Mà nghề này hai năm trở lại đây làm ăn không tốt nên ngư dân không lắp đặt. Thứ hai là một số tàu mặc dù trên 15 m nhưng họ làm nghề không ra vùng khơi, chỉ vùng lộng, vùng bờ nên họ cũng không lắp đặt.
Các thiết bị này đã hoạt động theo ý muốn chưa, thưa ông?
Ông Phùng Đình Toàn: Hiện nay, thiết bị giám sát hành trình đã có hiệu quả nhất định, nhất là việc chúng tôi đã quản lý giám sát được tàu hoạt động ngoài ranh giới, những tàu hoạt động sai vùng khai thác.
Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng một số ngư dân đi khai thác nhưng ngắt kết nối, sau đó về báo hỏng nên ít nhiều gây khó cho công tác quản lý. Một số trường hợp ngắt kết nối vì họ không đi biển, vì theo quy định hiện nay, tàu rời bến mới cần mở thiết bị giám sát hành trình. Vì vậy, vừa rồi chúng tôi kiến nghị với Bộ NN&PTNT sửa đổi Nghị định theo hướng quy định thiết bị giám sát hành trình phải bật 24/24h kể cả khi tàu vào bờ. Chỉ như vậy chúng tôi mới giám sát được thực tế tàu nào hoạt động, tàu nào nằm bờ.
Thực trạng nữa là một số ngư dân vin cớ phí duy trì đắt nên họ báo qua nhà mạng yêu cầu tạm ngừng kết nối và khi họ dừng kết nối nhưng vẫn đi biển thì chúng tôi không giám sát được. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục kiến nghị với Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ có chính sách hỗ trợ ngư dân phí này, có thể từ ngân sách Trung ương hoặc địa phương.
Hiện nay, có thực trạng là nhiều tàu vỏ thép hoạt động không hiệu quả, còn tại địa phương thì như thế nào, thưa ông?
Ông Phùng Đình Toàn: Quảng Ngãi cũng như nhiều tỉnh khác là hầu hết tàu tham gia đóng mới theo Nghị định 67 là tàu gỗ đều hoạt động có hiệu quả, duy trì trả nợ tương đối tốt hơn tàu sắt. Vì tàu sắt đầu tư lớn, tàu lớn, máy lớn nhưng nghề khai thác, ngư cụ khai thác không khác tàu gỗ nên mặc dù sản lượng có cao hơn nhưng hiệu quả kinh tế từng chuyến biển không cao như tàu gỗ. Vì vậy, một số tàu sắt dừng hoạt động, một số tàu thường xuyên thua lỗ dẫn đến nợ quá hạn ngân hàng. Tại tỉnh Quảng Ngãi, có trên 70% tàu sắt hoạt động không hiệu quả.
Vấn đề này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, có cách nào tháo gỡ hay không, thưa ông?
Ông Phùng Đình Toàn: Không phải bây giờ mà trước đây chúng tôi đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị ngân hàng cho kéo dài thời gian cho vay, chứ theo quy định hiện nay 11 năm thì ngư dân không đảm bảo trả nợ. Kéo dài thời gian để ngư dân giảm áp lực trả nợ và tránh nợ xấu của ngân hàng.
Chủ trương hiện nay là giảm cường lực khai thác, số lượng tàu, nhưng lại đối mặt thách thức sinh kế của ngư dân. Theo ông, giải quyết vấn đề này như thế nào?
Đầu năm qua, chúng tôi tham mưu và được UBND tỉnh Quảng Ngãi cho chủ trương xây dựng chính sách chuyển đổi nghề cho ngư dân và hỗ tợ ngư dân để giảm số tàu đánh cá, nhất là tàu lưới kéo ven bờ. Hiện nay, chính sách cơ bản xây dựng xong, trình UBND tỉnh thẩm định lần cuối trước khi trình HĐND tỉnh thông qua, thế nhưng, do nguồn thu của tỉnh giảm sút bởi ảnh hưởng Covid-19 nên chính sách này tạm dừng. Tôi được biết là sắp tới Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ ban hành chính sách mua lại tàu cũ của ngư dân để giảm số lượng tàu cá. Năm 2021 này, chúng tôi tiếp tục tham mưu UBND tỉnh để thực hiện chuyển đổi nghề cho ngư dân.
Trân trọng cảm ơn ông!